Cần đẩy nhanh xây dựng luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc sức khỏe tâm thần
Đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn và dài hạn, phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Tại Việt Nam, dù Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 đã được phê duyệt nhưng thực tế cho thấy vẫn cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu
Rối loạn tâm thần là vấn đề rất phổ biến trên toàn thế giới. Năm 2019, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần.
Tháng 10/2022, hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10, Bộ Y tế phối hợp với WHO đã tổ chức buổi mít tinh với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu”. Tại buổi mít tinh, Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số - nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế tỷ lệ tâm thần phân liệt chỉ chiếm 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5,4% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như động kinh (0,33%), chậm phát triển tâm thần (0,63%), mất trí tuổi già (0,88%); rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên (0,9%); lạm dụng rượu 5,3%, ma túy (0,3%) và các chất gây nghiện khác.
Ở một góc nhìn khác, rối loạn hành vi ở thanh, thiếu niên đã và đang là vấn đề được quan tâm. Ngày 29/9/2023 vừa qua, Chương trình Sức khỏe Thanh, thiếu niên Việt Nam (gọi tắt là YHP Vietnam) giai đoạn 2 đã được Bộ GD&ĐT, AstraZeneca và Tổ chức Plan International Việt Nam chính thức khởi động. Kết quả Khảo sát toàn cầu về hành vi sức khỏe trẻ em năm 2019 tại Việt Nam do Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT phối hợp với WHO thực hiện đã cung cấp bằng chứng về hành vi và chỉ số ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.
Lần đầu tiên, cuộc khảo sát bao gồm một chỉ số về việc trẻ em tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử. Trên toàn quốc, tỷ lệ này là 2,6% nhưng tăng vọt lên 7,9% ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội. Theo báo cáo, so sánh kết quả khảo sát năm 2013 và 2019 thì tỷ lệ trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng tăng. Các hệ thống bệnh viện trên cả nước đã và đang điều trị không ít ca bệnh bị rối loạn tâm thần và hành vi do lạm dụng thuốc lá điện tử (những rối loạn cảm xúc phổ biến ở người sử dụng thuốc lá điện tử bao gồm: trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress. Những cảm xúc tiêu cực, ý nghĩ tự sát cũng đã được báo cáo trên những người sử dụng thuốc lá điện tử. Hút thuốc lá điện tử cũng gia tăng các rối loạn hành vi như rối loạn tăng động - giảm chú ý...). Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của các biện pháp can thiệp để ngăn chặn các hành vi nguy cơ do thuốc lá điện tử mang đến cho sức khỏe thể chất và tâm thần của thanh, thiếu niên.
“Chúng ta cần quan tâm đến sự trưởng thành và phát triển của giới trẻ ở giai đoạn này. Mọi quyết định được đưa ra, mọi thói quen được hình thành và con đường chúng ta lựa chọn có thể có hậu quả và tác động lâu dài xuyên suốt nhiều thế hệ. Bằng chứng chỉ ra rằng những hành vi không lành mạnh gây ra các bệnh không lây nhiễm, bao gồm dinh dưỡng không lành mạnh, hút và hít phải khói thuốc, thiếu vận động thể chất, sử dụng rượu, bia thường hình thành từ giai đoạn thanh, thiếu niên”, bà Quách Thục Anh, Giám đốc Tài chính và Hành chính - Tổ chức Plan International Việt Nam cho biết.
Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần
Trên thế giới hiện nay, nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề sức khỏe tâm thần, chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1/3 số người bị trầm cảm được chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Ở Việt Nam, có sự kỳ thị lớn đối với rối loạn tâm thần, do vậy hầu hết mọi người đều ngại ngùng khi thừa nhận các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Nhưng rối loạn tâm thần cũng giống như bất kỳ bệnh nào khác cần được chẩn đoán và có thể điều trị.
Ngày 29/1/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025. Một trong những mục tiêu chung của Kế hoạch là tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần như: tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tinh thần khác nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Kế hoạch đề ra mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể đến 2025, giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính để dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần. Cụ thể, giảm tỷ lệ uống rượu, bia mức nguy hại ở nam giới từ 18 tuổi trở lên còn dưới 35%; giảm tỷ lệ hiện uống rượu, bia ở người 13 đến 17 tuổi còn dưới 20%; giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới từ 15 tuổi trở lên còn dưới 37%...
Ít nhất 40% người thuộc đối tượng sàng lọc được định kỳ sàng lọc một số rối loạn sức khỏe tâm thần theo hướng dẫn sàng lọc từng bệnh; phát hiện được ít nhất 70% người mắc bệnh tâm thần phân liệt và động kinh, 50% người mắc bệnh trầm cảm, 30% người bị sa sút trí tuệ và một số rối loạn tâm thần khác; quản lý điều trị ít nhất 80% người bệnh tâm thần phân liệt, 70% người bệnh động kinh và 50% người bệnh trầm cảm đã được phát hiện...
Tại buổi mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10 vào tháng 10/2022, GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Do đó, mỗi chúng ta cần có nhận thức đúng về rối loạn tâm thần, chống lại sự kỳ thị đối với người rối loạn tâm thần và công tác phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần là rất quan trọng. Cũng theo ông Thuấn, sau khi Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 - 2025 được ban hành, Bộ Y tế xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.
Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê, mặc dù có thể dự phòng và chữa trị hiệu quả nhưng điều đáng buồn là hầu hết người bệnh tâm thần trên thế giới không được phát hiện sớm, quản lý điều trị hiệu quả về y tế và xã hội do việc tiếp cận với các trị liệu còn hạn chế. Ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần nghĩa là chủ yếu có ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Các trạm y tế xã phường chủ yếu thực hiện khám bệnh, kê đơn điều trị theo các chỉ định của tuyến trên. Hơn thế nữa, trị liệu chủ yếu là dùng thuốc. Tâm lý trị liệu và các biện pháp không dùng thuốc chưa được phát triển đầy đủ.
“Qua đây càng thấy rõ nhu cầu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhất là lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần vào các cơ sở đa khoa, chuyên khoa khác, lồng ghép vào chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đồng thời cần phát triển tâm lý trị liệu và các giải pháp không dùng thuốc khác. Hiện nay ngành Y tế đang tập trung giải quyết vấn đề này”, theo ông Khuê.
Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn kêu gọi các cơ quan của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm cả chuyên khoa sâu và chăm sóc sức khỏe tâm thần cơ bản trong các cơ sở y tế khác và tại cộng đồng, cả chữa trị bằng thuốc và không bằng thuốc.
Sở Y tế tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế: bên cạnh củng cố các bệnh viện chuyên khoa tâm thần cần thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các bệnh viện đa khoa, các bệnh viện chuyên khoa khác có nhiều người mắc rối loạn tâm thần kèm theo như sản khoa, nhi khoa, lão khoa, ung bướu…, lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đối với người dân, cần tăng cường nhận thức về sức khỏe tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bởi mỗi chúng ta đều có thể có những rối loạn tâm thần nhất định cũng như có như vậy thì việc điều trị người bệnh tâm thần mới đạt được những hiệu quả khả quan. Bên cạnh đó, cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người xung quanh.
Theo WHO, năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Ở các nước có thu nhập thấp, hơn 75% rối loạn tâm thần không được điều trị. Hàng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.