Cần điều chỉnh chế độ, chính sách để nâng 'chất' trường dân tộc nội trú
Các nhà giáo đề xuất xem xét, điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế chính sách đối với GV, nhân viên và HS các trường phổ thông dân tộc nội trú.
Cho rằng, chế độ chính sách đối với giáo viên, nhân viên và học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú lạc hậu và bộc lộ nhiều bất cập, các nhà giáo đã đề xuất xem xét, điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế chính sách này để phù hợp thực tiễn khách quan.
Bà Châu Quỳnh Dao (đại biểu Quốc hội đoàn Kiên Giang, Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang): Tạo động lực cho học sinh
Ngày 29/5/2009, Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT (Thông tư 109) về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc được ban hành.
Theo đó, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú được đầu tư thỏa đáng, tạo thuận lợi cho sự nghiệp phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, các chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh theo Thông tư 109 đã tạo động lực cho con em đồng bào các dân tộc vươn lên trong học tập, rèn luyện tu dưỡng và đạt những kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, sau 14 năm áp dụng, Thông tư 109 trở nên lạc hậu và bộc lộ những hạn chế, bất cập trong thực tiễn đòi hỏi cần điều chỉnh kịp thời. Cụ thể, học sinh các trường này hưởng mức học bổng hàng tháng bằng 80% mức lương cơ sở để chi trả tiền ăn và sinh hoạt. Với mức hỗ trợ này, mỗi em được nhận 1.192.000 đồng/tháng, không phân biệt học sinh lớp 6 hay lớp 9, dù chế độ dinh dưỡng có khác nhau (tính đến trước ngày 1/7/2023 – thời điểm chưa tăng lương).
Hiện, lương cơ bản là 1,8 triệu đồng/tháng nên mức học bổng hàng tháng của học sinh tương đương hơn 1,4 triệu đồng. Nhìn chung, với mức học bổng này khó để trang trải sinh hoạt cho học sinh, nhất là trong bối cảnh “lương chưa tăng nhưng giá cả đã leo thang” mọi thứ đều đắt đỏ. Thực tế, nhiều học sinh phải xin thêm tiền bố mẹ để mua đồ dùng cá nhân; còn hầu hết gia đình các em đều hoàn cảnh khó khăn. Ở trường tôi, nhiều khi giáo viên phải quyên góp, ủng hộ và bỏ tiền túi ra để mua đồ dùng học tập tặng học sinh.
Ngoài ra, Thông tư 109 chỉ hỗ trợ tiền tàu xe cho học sinh theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm một lần để thăm gia đình vào dịp Tết hoặc nghỉ hè.
Tuy nhiên, bảng giá vận tải công cộng chỉ tính theo quốc lộ, tỉnh lộ; trong khi nhà các em thường ở vùng sâu, xa, heo hút. Vì thế, cần điều chỉnh cách hỗ trợ để đảm bảo đúng quy định về giá và phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, không nên quy định cứng hỗ trợ học phẩm cho học sinh, chẳng hạn như bút chì… thay vào đó, cần linh hoạt hơn vì đặc thù giữa các cấp học có nhu cầu sử dụng khác nhau.
Hiện nay, ngoài việc thực hiện chức năng dạy học theo chương trình phổ thông và nuôi dưỡng học sinh, các trường phổ thông dân tộc nội trú còn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn; giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho con em đồng bào các dân tộc.
Từ thực tiễn nêu trên, tôi mong các cấp, ngành, cơ quan có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh trong các trường dân tộc nội trú tiếp tục được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Trước mắt, nghiên cứu điều chỉnh Thông tư 109 nhằm nâng cao mức hưởng của các em để đảm bảo sức khỏe và chế độ dinh dưỡng. Theo đó, nâng mức học bổng cho học sinh tăng từ 80% lên 100% mức lương cơ bản.
Thầy Danh Phương (Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Giồng Riềng - Kiên Giang): Chính sách đã lỗi thời
Không phủ nhận, những chính sách dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có học sinh các trường phổ thông nội trú đã tiếp bước đến trường, tạo động lực để các em yên tâm học tập, yêu trường, lớp; trở thành con ngoan trò giỏi. Song, một số chính sách đã “lỗi thời”, cần sớm điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn khách quan.
Chẳng hạn, hiện nay học sinh trường THCS dân tộc nội trú được cấp chăn bông, chiếu, màn, áo bông, áo mưa... Tuy nhiên, việc trang cấp này chỉ thực hiện một lần vào năm học đầu cấp (lớp 6). Điều này có nghĩa, mỗi học sinh lớp 6 của trường THCS dân tộc nội trú được cấp áo bông, đồng phục, chăn bông, chiếu, màn... dùng cho 4 năm học. Trong khi đó, ở lứa tuổi này, nhiều học sinh bước vào giai đoạn dậy thì “tuổi ăn, tuổi lớn” quần, áo vừa chật vừa ngắn ngay khi bước vào lớp 8.
Ngoài ra, các đồ dùng cá nhân nêu trên dễ bị hư hỏng nên khó để học sinh sử dụng trong suốt 4 năm học tập tại nhà trường. Đặc biệt, việc cấp áo mưa là không phù hợp do các em ở nội trú, chủ yếu di chuyển trong phạm vi nhà trường.
Từ những bất cập nêu trên, tôi đề nghị việc trang cấp quần áo cho học sinh cần được thực hiện hàng năm. Cụ thể, mỗi năm học sinh được cấp 1 áo ấm và 2 bộ quần, áo đồng phục (dài tay, ngắn tay). Học sinh được cấp tiền tàu xe theo giá vé thông thường của phương tiện vận tải công cộng, mỗi năm 2 lần (cả lượt đi và lượt về) để thăm gia đình vào dịp Tết và dịp nghỉ Hè.
Ngoài ra, nên thay đổi việc cấp đồ dùng cá nhân như: Chăn bông, áo mưa, áo bông thành chăn ấm, ô dù, áo ấm… nhằm thuận tiện cho học sinh khi sử dụng. Muốn vậy, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế Thông tư 109 để đảm bảo phù hợp tình hình thực tế.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường PTDTNT Ka Lăng, Lai Châu): Điều chỉnh mức học bổng lên 100%
Hiện nay, mức học bổng cho học sinh trường dân tộc nội trú là 80% mức lương cơ bản. Mức học bổng này còn thấp để nhà trường đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho các em.
Vì thế, mức học bổng này có thể tăng lên 100% mức lương cơ bản, nhằm bảo đảm mức sống, sinh hoạt tối thiểu cho học sinh. Hiện, mức lương và chế độ đối với nhân viên phục vụ còn thấp, không bảo đảm mức sinh hoạt tối thiểu nên cần có hỗ trợ để họ yên tâm công tác…
Ngoài ra, Nhà nước cần bổ sung nhiều kinh phí cho các trường phổ thông dân tộc nội trú để các trường có thể tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường.
Mở rộng diện tích phải rộng để đủ sân chơi cho học sinh và thiết kế khu thực hiện các mô hình tăng gia sản xuất cho các em. Bên cạnh đó, tôi đề nghị các địa phương, các trường có thể phối hợp, tổ chức cho học sinh trường dân tộc nội trú được đi tham quan, giao lưu với nhau để học hỏi và phát triển toàn diện.
Bà Châu Quỳnh Dao cho biết: “Tôi đề nghị nâng mức lương và chế độ cho giáo viên, nhân viên phục vụ tại các trường phổ thông dân tộc nội trú. Thực tế cho thấy, mức hưởng như hiện nay không bảo đảm sinh hoạt tối thiểu cho họ. Do đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo cuộc sống cho các viên chức này, giúp họ yên tâm công tác…”.