Cần định hướng để phát triển bền vững

Du lịch vườn là mô hình phát triển mới hấp dẫn của Đồng Nai với du khách gần xa. Khai thác du lịch vườn đang thu hút đông nông dân, HTX quan tâm vì đây là kênh tiêu thụ đặc sản trái cây, nông sản giàu tiềm năng, giúp tăng giá trị kinh tế cho nhiều vùng quê.

Trẻ em cùng ba mẹ chơi bắt cào cào tại Nông trại Dốc Mơ (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Trẻ em cùng ba mẹ chơi bắt cào cào tại Nông trại Dốc Mơ (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Tuy nhiên, với việc các nhà vườn đổ xô làm du lịch một cách tự phát như hiện nay, việc giải bài toán phát triển đúng hướng, bền vững của dịch vụ này cần được quan tâm.

* Lúng túng làm du lịch tự phát

Theo Sở VHTT-DL, những vấn đề còn tồn tại trong quá trình phát triển du lịch vườn, homestay như: một số thủ tục liên quan đến quy hoạch đất đai, vệ sinh an toàn thực phẩm, hạ tầng giao thông, xây dựng cơ bản để phục vụ du lịch… chưa được đồng bộ. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường phổ biến kiến thức, đào tạo kỹ năng nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển du lịch. Ngoài ra, Sở sẽ đề xuất một số vấn đề liên quan đến quy hoạch, thủ tục hành chính về đất đai, các dịch vụ.

Nông dân các địa phương đang đua nhau mở dịch vụ du lịch vườn một cách tự phát nên đa số còn khá lúng túng trong khâu quản lý, tổ chức dịch vụ phục vụ khách tham quan. Hậu quả của việc đón khách vào vườn tham quan mà chưa có sự tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp, nhà vườn mất nhiều hơn được vì những đoàn khách vào vườn tự do hái trái, làm gãy cành hoặc ra vào làm ảnh hưởng đến cây trồng và năng suất. Mặt khác, các nhà vườn khó giữ chân du khách lâu dài nếu sản phẩm đơn điệu, dịch vụ kém chu đáo.

Hiện các vườn cây mở cửa đón khách du lịch thường theo 2 hình thức, khách mua vé vào tham quan ăn trái chín hoặc có thể đặt mua nguyên cây để thưởng thức tại chỗ và hái đem về. Do chưa có quy hoạch và sự quản lý nên dịch vụ đón khách vào vườn mỗi nơi mỗi kiểu, giá cả dịch vụ này cũng là băn khoăn không nhỏ cho cả nhà vườn và du khách tham quan.

Một rào cản không nhỏ là nông dân phải tự xoay xở cả trong việc đầu tư mô hình vườn du lịch vừa tự tìm nguồn khách tham quan khiến nguồn khách khi trồi, khi sụt. Ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) chỉ ra, hiện hàng chục nhà vườn ở xã Bình Lộc đang mở cửa đón khách về vui chơi, giải trí và chủ yếu chỉ tập trung vào mùa trái cây hè. Tuy nhiên, đa số các điểm du lịch vườn chưa được đầu tư bài bản mà vẫn mang tính khai thác những cái sẵn có. “Nông dân làm du lịch vườn chưa được hỗ trợ nhiều trong khâu quảng bá, kết nối để có lượng khách ổn định nên vẫn rất e dè trong đầu tư. Đây là hạn chế lớn để mô hình này phát triển một cách bền vững” - ông Tâm chỉ ra.

Trẻ em chơi tô màu trên lá cây tại trang trại Hoàng Hạc (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Trẻ em chơi tô màu trên lá cây tại trang trại Hoàng Hạc (H.Thống Nhất). Ảnh: B.Nguyên

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Phong - lớp nông dân tiên phong tại xã Bình Lộc đầu tư mô hình du lịch vườn chia sẻ, nếu các nhà vườn chỉ dừng lại ở việc mở cửa vườn đón khách vào thưởng thức trái cây mà không đầu tư thêm nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí khác thì khó giữ chân khách lâu dài. Ông Phong gợi ý: “Để mô hình này phát triển bền vững, nông dân cần sự đầu tư bài bản với số vốn lớn; liên kết lại để tạo ra sự đa dạng, phong phú về sản phẩm cũng như sự chuyên nghiệp về dịch vụ”.

* Cần tập huấn và giám sát kỹ chất lượng

Đa số các hộ dân kinh doanh dịch vụ homestay trên địa bàn tỉnh đều còn bỡ ngỡ, thiếu sự chuyên nghiệp trong làm dịch vụ du lịch, nhất là cách ứng xử với du khách người nước ngoài. Ông Trương Công Vững, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tre Xanh là một trong những người đầu tiên làm du lịch vườn ở xã Nam Cát Tiên (H.Tân Phú) nhận xét, người dân còn thiếu những kỹ năng làm du lịch. Mặc dù chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch nhưng ý thức hợp tác của người dân chưa cao, người tham gia lớp học chỉ cho có, chưa thực sự hợp tác, có ý thức học hỏi. “Tôi hy vọng thời gian tới, người dân tham gia làm du lịch vườn, homestay được tập huấn và họ phải thật sự quan tâm trau dồi những kỹ năng chuyên nghiệp để phục vụ tốt nhất cho khách của mình” - ông Vững nói.

Thực tế cho thấy, để du lịch sinh thái vườn phát triển bền vững và thu hút khách du lịch quanh năm và thật sự mang tính cộng đồng, bản thân những người làm du lịch là nông dân cần có sự liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu đa dạng hóa các sản phẩm của mình, nhất là tạo cảnh quan cho vườn để hấp dẫn du khách, các sản phẩm nông sản cũng được chế biến thành những món ăn đặc trưng, phục vụ du khách quanh năm.

Theo ghi nhận thực tế, gần đây du khách đến tham quan Vườn quốc gia Cát Tiên khá thích thú với tour tham quan ngắm rừng bằng thuyền trên sông. Tuy nhiên, người dân địa phương tự kinh doanh bằng thuyền của mình, vấn đề kiểm tra, kiểm soát đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Các quy định như mặc áo phao khi đi trên sông chưa được thực hiện tốt.

Ông Nguyễn Xuân Chinh, Giám đốc Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn quốc gia Cát Tiên, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch H.Tân Phú cho biết, đối với du khách lưu trú và đăng ký các tour du lịch do Vườn quốc gia tổ chức thì được bảo đảm an toàn, trong đó có tour tham quan, ngắm thú rừng. Tuy nhiên, vườn quốc gia chỉ có thể kiểm soát đối với những tour do mình tổ chức, đối với những tour do người dân tự tổ chức thì vườn không thể kiểm soát. Mong rằng, chính quyền địa phương phải quản lý việc người dân tổ chức các tour du lịch rừng, du lịch trên sông nhằm bảo đảm an toàn cho du khách khi tham gia vui chơi, giải trí. Họ cũng phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động.

Theo ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở VHTT-DL, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, điều này cũng khẳng định diện mạo nông thôn của Đồng Nai đã và đang được xây dựng, phát triển một cách đồng bộ từ hạ tầng cơ sở đến cảnh quan thiên nhiên, cùng với sự đa dạng về các mặt hàng nông sản từ trái cây cho đến rau củ quả được sản xuất theo tiêu chí bảo đảm an toàn, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao. Đây là bước khởi đầu để người dân khai thác tiềm năng du lịch từng địa phương, mang về những giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với cách sản xuất truyền thống trước đây là các mặt hàng nông sản chỉ bán cho thương lái.

Thời gian qua, nhu cầu du lịch sinh thái vườn với các hoạt động trở về vườn cây, ao cá ngắm những khu vườn đẹp và thưởng thức trái cây ngon, cảm nhận không gian thiên nhiên là xu hướng chung của người dân thành thị. Do đó, Sở VH-TTDL đã chủ động phối hợp với các ngành thường xuyên có những hoạt động xúc tiến du lịch bằng các hình thức tổ chức, tham gia các sự kiện liên hoan ẩm thực; hội chợ, lễ hội trái cây, hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp… nhằm giới thiệu các đặc sản của địa phương, cũng như việc phối hợp cùng chính quyền địa phương các cấp, tạo điều kiện để người dân làm du lịch hiệu quả nhất.

Thủy Mộc - Lê Quyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/can-dinh-huong-de-phat-trien-ben-vung-2993024/