Cần định hướng tốt cho phát triển các cây trồng chủ lực theo Nghị quyết 10

Sáng 18/10, Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh tổ chức Hội nghị công tác 9 tháng, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023.

 Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Các đồng chí chủ trì hội nghị.

Các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh; thành viên Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh.

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Trong 9 tháng năm 2023, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai thực hiện những nội dung chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo; triển khai thực hiện 36/41 nội dung thông báo kết luận của Ban Chỉ đạo tỉnh và đang triển khai thực hiện 5/19 nội dung, nhiệm vụ thường xuyên.

Việc triển khai 6 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, chăn nuôi lợn) và 2 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng, ngành hàng tiềm năng đạt nhiều kết quả tích cực. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng chè 7.581 ha, dược liệu 3.751 ha, chuối 1.919 ha, dứa 2.175 ha, quế 58.023 ha.

 Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 10.

Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 10.

Từ đầu năm đến nay, thực hiện chuyển đổi 2.871 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang cây trồng khác, đạt 76,9% so kế hoạc năm (3.730 ha). Trong đó, trồng mới 95 ha dứa, 135 ha cây dược liệu, 168 ha chuối, 350 ha chè, 763 ha cây ăn quả, 1.360 ha quế. Hiện nay, các địa phương đang tích cực vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế (chè, dược liệu…), nhằm đảm bảo kế hoạch tỉnh giao của năm.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh thu hút thêm 26 dự án đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến. Trong đó, 15 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư; 5 dự án đã có văn bản đồng ý nghiên cứu, đề xuất dự án hoặc đồng ý cho phép điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, 6 dự án đang xin nghiên cứu đầu tư.

 Bí thư Huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Bí thư Huyện ủy Bát Xát Nguyễn Trung Triều phát biểu thảo luận tại hội nghị.

Toàn tỉnh có 108 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, 64 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và 44 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo cộng đồng, với tổng số vốn giao là 179,6 tỷ đồng. Các dự án tập trung hỗ trợ đối với các ngành hàng chủ lực của tỉnh (dược liệu, chè, chuối, dứa, quế) và một số ngành hàng tiềm năng của địa phương (rau trái vụ vùng cao, cây ăn quả ôn đới...).

Tuy vậy, các vùng sản xuất quy mô còn nhỏ, sản lượng chưa nhiều và một số cây trồng chủ lực (chuối, chè) còn gặp khó khăn trong việc duy trì và trồng mới theo kế hoạch. Việc chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng khoa học tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp chậm; kỹ thuật, kinh nghiệm, tác phong lao động của nông dân chưa cập nhật được với nhu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sạch chiếm tỷ lệ thấp. Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, một số sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc như chuối, tinh dầu quế, chế biến lâm sản. Công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, ít sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị nông sản thấp.

 Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng thảo luận tại hội nghị.

Bí thư Huyện ủy Mường Khương Giàng Quốc Hưng thảo luận tại hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích rõ hơn về những kết quả, khó khăn, thách thức và định hướng, đề xuất các giải pháp trong thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, đề nghị các địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã được cấp phép; quy hoạch vùng sản xuất, nguyên liệu tập trung để phát triển nông nghiệp hàng hóa; ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp và hỗ trợ nguồn lực để các phòng kinh tế và hạ tầng các địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại; chú trọng đào tạo nghề cho nông dân để bắt kịp với sản xuất nông nghiệp hàng hóa; nhân rộng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ cho cây chè để tăng hiệu quả sản xuất; tập trung triển khai các chính sách đối với phát triển nông nghiệp hàng hóa và các chương trình mục tiêu quốc gia;...

 Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Lào Cai có nhiều điểm sáng trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, nhất là các cây trồng chủ lực như quế, chè và công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại cho lĩnh vực nông nghiệp. Các ngành, địa phương cần chủ động, quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện, quan tâm nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thu hút sự tham gia của doanh nghiệp; đề xuất xây dựng các mô hình sản xuất mới, xây dựng sản phẩm đặc hữu, thế mạnh địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận các chính sách về phát triển nông nghiệp của tỉnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã...

 Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ban chỉ đạo cấp huyện nêu cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm và quyết liệt, tích cực trong chỉ đạo, tạo khí thế trong toàn hệ thống chính trị và Nhân dân nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa có số lượng lớn, có giá trị cao, chất lượng tốt, đáp ứng thị trường.

Các sở, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào liên kết sản xuất chế biến nông sản trên địa bàn; quan tâm quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu và gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; quan tâm và có cách tiếp cận mới trong công tác xúc tiến thương mại, hướng tới các thị trường thế mạnh, tiềm năng nước ngoài.

 Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu: Thời gian tới các cấp, ngành, địa phương tiếp tục bám sát các thông báo, kết luận và mục tiêu của Nghị quyết 10 để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các địa phương cần định hướng tốt cho phát triển các cây trồng chủ lực theo Nghị quyết 10; quan tâm thực hiện tốt kế hoạch tránh phát triển tự phát, chạy theo số lượng, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị, đáp ứng thị trường. Tiếp tục huy động các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Chỉ đạo Nhân dân thực hiện tốt khung thời vụ các loại cây trồng, vật nuôi đảm bảo kế hoạch về diện tích, sản lượng, giá trị đã đề ra; quan tâm phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/can-dinh-huong-tot-cho-phat-trien-cac-cay-trong-chu-luc-theo-nghi-quyet-10-post374935.html