'Cân đo' chính sách tài khóa - tiền tệ
Vực dậy nền kinh tế không chỉ cần 'đi hai chân' chính sách tài khóa và tiền tệ, mà còn cần cả sự kết nối, bổ trợ lẫn nhau giữa 2 chính sách này ngay cả trong lĩnh vực thông tin kinh tế.
WB: Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động
Còn nhớ sáng ngày 13/3/2023, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố báo cáo điểm lại, cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 3/2023, trước 1 ngày (14/3/2023), Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định điều chỉnh giảm lãi suất lần đầu tiên của năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 15/3/2023), mở màn cho chuỗi hạ lãi suất liên tục sau đó.
Tại buổi họp báo, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB đã thẳng thắn đề cập: “Vị thế chính sách tài khóa tạo thuận lợi là cách để tự phòng vệ những rủi ro về giảm tăng trưởng và Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa để hành động. Trong ngắn hạn, trọng tâm nên cần nhằm vào triển khai dự toán chi đầu tư, bao gồm các dự án được xác định trong gói chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng số và cơ sở vật chất. Chính sách tiền tệ linh hoạt được phối hợp chặt chẽ với các mục tiêu chính sách tài khóa có thể giúp kiểm soát lạm phát trong nước”.
Diễn biến tiếp theo trên thị trường cho thấy, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng và giải quyết áp lực trên bảng cân đối của khu vực ngân hàng, các cấp có thẩm quyền đã thông qua chính sách hỗ trợ, bao gồm ban hành quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ từ giữa tháng 3/2023 và đến cuối quý II/2023, lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn lần lượt ở mức 3%/năm và 4,5%/năm, giảm 1,5 - 2%/năm thông qua 4 đợt cắt giảm lãi suất chính sách.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng dao động quanh mức 5,5 - 6,2%/năm, thấp hơn khoảng 3,5 - 4%/năm so với đầu năm nay. Trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm với quy mô tương tự, nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cung cấp vốn vay mới rẻ hơn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy nhanh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm và chương trình tín dụng nhà ở xã hội để hỗ trợ kinh tế.
Bà Dorsati Madani nhận định: “Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm lãi suất chính sách nhiều lần để xem liệu hành động này có khuyến khích các hoạt động kinh tế và đầu tư hay không. Thực tế cho thấy, lãi suất đã giảm xuống mức tương đối thấp cho người vay, nhưng những bất trắc trên thị trường toàn cầu khiến xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp không sẵn sàng đầu tư tại thời điểm này và không muốn vay vốn ngân hàng”.
Quả vậy, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/9/2023 vẫn chưa đạt được con số 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm.
“Lực cầu tín dụng trong nền kinh tế rất kém nên nếu tiếp tục giảm lãi suất cũng sẽ không mang lại hiệu quả cao trong ngắn hạn, bởi hiệu ứng dẫn chuyền của chính sách tiền tệ yếu. Đó là chưa kể, lãi suất đã giảm đáng kể trong những tháng qua, làm giãn rộng hơn khoảng cách lãi suất tiền đồng Việt Nam với Mỹ và các quốc gia phát triển, có thể dẫn đến dòng vốn ngoại chảy ra, gây áp lực lên tỷ giá”, bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
ADB: Cần có sự song hành đến từ nền kinh tế thực
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nêu quan điểm, những lần điều chỉnh lãi suất chính sách thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước đã có tác động tích cực đến thị trường, đó là tăng trưởng kinh tế quý II/2023 tốt hơn quý trước đó và thị trường chứng khoán giao dịch sôi động trở lại. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp cho thấy hiệu quả của việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào cầu tín dụng của nền kinh tế thực.
“Nền kinh tế thực đang đối mặt với nhiều khó khăn dẫn đến hạn chế cầu tín dụng, do đó tín dụng tăng trưởng chưa được như mong muốn”, ông Hùng nói.
Ông Hùng phân tích, yếu tố quan trọng ở đây là điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng mức lãi suất chưa đủ hấp dẫn đối với khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, dẫn đến cầu tín dụng chưa tăng. Hay nói cách khác, khi hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa tạo ra được lợi nhuận cao hơn lãi suất đi vay, doanh nghiệp sẽ không vay vốn để đầu tư.
Tác động từ chính sách tiền tệ vào tổng cầu chỉ là gián tiếp thông qua cung tín dụng, còn từ chính sách tài khóa và các chính sách kích thích tiêu dùng, đầu tư tư nhân… sẽ tác động trực tiếp thông qua việc thúc đẩy hoạt động trong nền kinh tế.
Theo đó, ông Hùng cho rằng, tác động từ chính sách tiền tệ vào tổng cầu chỉ là gián tiếp thông qua cung tín dụng, còn từ chính sách tài khóa và các chính sách kích thích tiêu dùng, đầu tư tư nhân… sẽ tác động trực tiếp thông qua việc thúc đẩy hoạt động trong nền kinh tế. Khi đó, cầu tín dụng có thể tăng theo để hấp thụ nguồn cung tín dụng tăng lên.
“Thực tế thị trường hiện nay cho thấy, tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp, thể hiện nền kinh tế thực đang khó khăn và hoạt động đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp chưa đủ sinh lời tốt hơn mức lãi suất hiện nay. Do đó, bên cạnh chính sách tiền tệ, việc điều chỉnh giảm lãi suất cần có sự song hành đến từ nền kinh tế thực là thị trường hàng hóa, dịch vụ sôi động trở lại”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế WB, do dư địa tài khóa còn dồi dào, chính sách tài khóa cần đóng vai trò chủ đạo, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn. Ngân sách đầu tư công nếu được triển khai đầy đủ theo kế hoạch sẽ nâng đầu tư công lên 7,1% GDP trong năm 2023, so với mức 5,5% GDP dự toán trong năm 2022, với xung lực tài khóa khoảng 0,4% GDP để hỗ trợ tổng cầu. Chính phủ đã lên kế hoạch nâng đầu tư công thêm 38% (so với cùng kỳ) cho năm 2023 - tương đương 1,6% GDP.
Trong nửa đầu năm 2023, công tác triển khai được đẩy nhanh khi giải ngân vốn đầu tư công tăng tới 43,3% so cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, tiến độ triển khai đầu tư công lâu nay vẫn chậm, ví dụ như năm 2022 chỉ đạt 67,3%.
“Chính sách tiền tệ không thể phát huy được hiệu quả như chính sách tài khóa trong thời gian tới bởi những phân tích như trên. Do đó, vị trí đóng vai trò chủ đạo của chính sách tiền tệ cần nhường chỗ cho chính sách tài khóa”, bà Dorsati Madani nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế của WB phân tích, trong khi sự sụt giảm hoạt động xuất khẩu có thể đã chạm đáy và tiêu dùng trong nước vẫn ổn định, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm phản ánh đầu tư tư nhân trong nước và niềm tin của nhà đầu tư vẫn yếu. Những biến động tăng giá gần đây của giá năng lượng toàn cầu đòi hỏi phải có sự giám sát chặt chẽ về lạm phát. Điều này cũng có thể ngăn cản Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ. Việc tiếp tục duy trì trạng thái thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu cho thấy cần đảm bảo việc quản lý ngoại hối linh hoạt để ứng phó với các điều kiện bên ngoài.
“Việc tăng tốc hơn nữa giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời tập trung vào cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi ưu tiên, cũng như đầu tư vào nguồn nhân lực sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế dài hạn”, bà Dorsati Madani khuyến nghị.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/can-do-chinh-sach-tai-khoa-tien-te-post330441.html