Cần đổi mới mạnh mẽ công tác lao động, người có công và xã hội
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương cần có sự thay đổi mang tính đột phá, quyết tâm cao để tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực quản lý của ngành.
Đó là chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Chiều 25.4, các đồng chí: Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về kết quả hoạt động từ năm 2021 đến nay, một số nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2025.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đánh giá cao kết quả công tác lao động, người có công và xã hội từ năm 2021 đến nay của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, đồng thời chỉ ra một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cho rằng, sở cần có sự thay đổi mang tính đột phá, quyết tâm cao để tạo chuyển biến mạnh mẽ trên các lĩnh vực quản lý của ngành. Rà soát để thực hiện đúng, đủ các chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 22/2022/QĐ-UBND ngày 20.12.2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội.
Đồng chí Trần Đức Thắng nhấn mạnh Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần làm tốt công tác tham mưu để tỉnh thực hiện chính sách an sinh xã hội đúng, đủ, kịp thời. Rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội để tham mưu ban hành phù hợp với thực tế của địa phương, lưu ý những chính sách đặc thù của tỉnh, xác định đúng đối tượng, mức hỗ trợ hợp lý. Tham mưu bổ sung thêm trụ cột thứ năm về bảo đảm an sinh xã hội trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân, chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi theo quy định. Phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; phối hợp rà soát, sắp xếp cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cho rằng công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh còn chưa đạt yêu cầu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, đề xuất các biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xây dựng nguồn lực chất lượng cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đây là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu hoàn thiện tích hợp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội của tỉnh. Tăng cường đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhất là lao động đã qua đào tạo, lao động có tay nghề. Nâng cao công tác tuyên truyền và triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Quan tâm nghiên cứu, tìm kiếm, đổi mới trong tư duy, phương thức giảm nghèo, động viên, hỗ trợ người nghèo cố gắng vươn lên thoát nghèo. Phối hợp triển khai hiệu quả các dự án phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm nhu cầu về nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, xác định rõ đối tượng ưu tiên được thuê, được mua, bảo đảm sự hỗ trợ của Nhà nước đến tay những người thực sự khó khăn về nhà ở, nhất là công nhân lao động. Từ nay đến năm 2025, quyết tâm hoàn thành xây dựng ít nhất 5.800 căn nhà ở xã hội. Phối hợp huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần, rèn luyện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân lao động. Tập trung giải quyết dịch vụ công thiết yếu...
Về các kiến nghị, đề xuất của ngành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng làm rõ từng vấn đề, yêu cầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan đề xuất, giải quyết từng nội dung theo quy định, nhất là sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất một số đơn vị sự nghiệp trực thuộc, biên chế hành chính, chỉ tiêu viên chức, cân đối nguồn lực phù hợp để thực hiện chính sách an sinh xã hội...
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã kiến nghị tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm, cân đối nguồn lực phù hợp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân ở một số nhóm đối tượng để hoàn thành mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội vào năm 2025. Chỉ đạo triển khai có hiệu quả các dự án phát triển nhà ở xã hội. Ưu tiên nguồn lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cho các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm, trường chất lượng cao của tỉnh. Quy định mức trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người không còn khả năng lao động thuộc hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng đối với những người yếu thế; tiếp tục xem xét nâng dần mức chuẩn trợ giúp xã hội; quy định mức hỗ trợ khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Có chính sách miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông từ năm học 2023-2024; chính sách hỗ trợ đột xuất cho trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn như tai nạn thương tích, bạo hành, xâm hại, mắc bệnh hiểm nghèo… Xem xét, có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy. Bảo đảm nguồn lực triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, người có công, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới và phòng chống tệ nạn xã hội. Xem xét quy hoạch vị trí xây dựng công trình Đền Liệt sĩ tỉnh Hải Dương. Quan tâm đầu tư xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất một số hạng mục công trình trụ sở tại các đơn vị sự nghiệp đã xuống cấp…
Theo báo cáo tại buổi làm việc, từ năm 2021 đến nay, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành các văn bản về cơ chế chính sách, chương trình, đề án, kế hoạch triển khai công tác lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2021-2025. Nổi bật là Chương trình về bảo đảm an sinh xã hội tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”… Tập trung rà soát, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những khó khăn về lao động sau đại dịch Covid-19, góp phần từng bước khôi phục và ổn định thị trường lao động. Thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề cho 494 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng kinh phí 2,9 tỷ đồng. 23.653 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng với tổng số tiền gần 495,6 tỷ đồng. Phối hợp với ngành công an tăng cường quản lý lao động là người nước ngoài làm việc trong tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp có hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Từ năm 2021 đến hết tháng 3.2023, Hải Dương đã đưa 18.141 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cấp ủy, chính quyền tổ chức tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, chăm lo đời sống người có công, gia đình chính sách nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27.7 và Tết Nguyên đán. Phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu phát động xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đến nay quỹ cấp tỉnh huy động được trên 2,9 tỷ đồng, quỹ cấp huyện 7,8 tỷ đồng… Tham mưu hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà cho 1.886 gia đình người có công; hỗ trợ 949 hộ khó khăn về nhà ở. Tập trung giải quyết các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Tăng cường tuyên truyền và triển khai các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2,15% (năm 2021) xuống còn 1,69% (năm 2022). Thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng và chế độ, chính sách đối với các đối tượng đang được nuôi dưỡng tập trung tại các cơ sở trợ giúp xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 83.746 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng; 984 đối tượng đang được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tại 4 cơ sở trợ giúp xã hội. Tham mưu triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19…