Cân đối nguồn lực cho việc lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh
Đa số đại biểu tán thành với Báo cáo Kết quả thực giám sát của Đoàn giám sát thực hiện Luật Quy hoạch 2017. Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần cân đối nguồn lực cho việc thực hiện lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng: Việc triển khai các dự án cũng như các vấn đề cấp bách liên quan đến phát triển KT-XH của địa phương có thể bị chậm, do theo Luật đầu tư công thì nguồn vốn đầu tư công được cân đối vào đầu nhiệm kỳ.
Ông TRẦN ANH TUẤN, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Cần có quy định phân cấp cho địa phương trong việc bổ sung nguồn lực để không làm bội chi ngân sách.”
Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng: Nghị quyết 119 năm 2021 của Chính Phủ về Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Tuy nhiên, các quy định chuyên ngành vẫn chưa theo kịp.
Ông TRẦN VIỆT ANH, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Hiện nay nguồn vốn quy hoạch đã được Nghị quyết 119 của Chính phủ năm 2021 tháo gỡ nhưng các luật và nghị định chuyên ngành chưa theo kịp."
Các đại biểu Quốc hội cho rằng: Cần có giải pháp cho việc vẫn chưa có đầy đủ các văn bản hướng dẫn tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật chuyên ngành về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định.
Bà NGUYỄN THỊ LỆ, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Tính liên kết đồng bộ quy hoạch vẫn chưa được đảm bảo, cụ thể các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa thực sự đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Việc đảm bảo kinh phí thẩm định luật vẫn chưa được thực hiện."
Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí lập quy hoạch trong Kế hoạch đầu tư công là 4.368 tỷ đồng, trong đó, vốn của các Bộ, ngành là hơn 1.243 tỷ đồng; của 56 địa phương là hơn 3.124, tỷ đồng. Số vốn đã giải ngân đến 28/2/2022 của các Bộ, ngành là hơn 244 tỷ đồng (bằng 19,67%); các địa phương là hơn 1.147 tỷ đồng (bằng 36,72%).