Cần đưa bình đẳng giới trong lập ngân sách nhà nước
Hơn 100 quốc gia đã đưa yếu tố giới vào quy trình lập ngân sách nhà nước ở các mức độ khác nhau. Việt Nam hiện mới ở giai đoạn thí điểm dù đã có khung pháp lý tương đối đầy đủ - từ Hiến pháp, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bình đẳng giới đến Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Thực trạng và khoảng trống, kinh nghiệm quốc tế
Theo Báo cáo Chỉ số Khoảng cách giới toàn cầu 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố, Việt Nam đứng thứ 72 trên tổng số 146 quốc gia về chỉ số xếp bình đẳng giới, tăng 11 bậc so với năm 2022. Điều này cho thấy, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về thúc đẩy bình đẳng giới trong thập kỷ qua.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết như: khoảng cách về tiền lương giữa nam và nữ, tỷ lệ phụ nữ lãnh đạo còn thấp, gánh nặng công việc không được trả lương của phụ nữ... Đây chính là lúc cần thúc đẩy việc áp dụng ngân sách có trách nhiệm giới để cả hai giới giới đều được hưởng lợi công bằng từ ngân sách.

Bình đẳng giới trong lập ngân sách nhà nước. Ảnh minh họa
Để biến cam kết thành hành động, đưa nguyên tắc bình đẳng giới vào quy trình ngân sách, Việt Nam cần một bước đi cụ thể trong bức tranh cải cách tài chính công hiện đại và mang tính bao trùm mà Việt Nam đang hướng tới, đặc biệt trong bối cảnh sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước vào năm 2025.
Ngân sách có trách nhiệm giới (NSTNG) không có nghĩa là tạo ra một ngân sách dành riêng cho phụ nữ hoặc tài trợ riêng cho các chương trình/sáng kiến bình đẳng giới, mà là cách tiếp cận giúp phân bổ chi tiêu công một cách công bằng hơn, bằng cách phân tích tác động của từng khoản chi đến cả hai giới, từ đó điều chỉnh ngân sách để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khác biệt của từng nhóm. NSTNG giới giúp các nhà làm chính sách đánh giá liệu quyết định chi tiêu có đang thúc đẩy bình đẳng giới hay duy trì bất bình đẳng hiện có.
Ở Việt Nam, khái niệm này đã được giới thiệu trong nhiều diễn đàn chính sách, nhưng chưa được cụ thể hóa trong các văn bản pháp lý về tài chính công. Các bộ ngành và địa phương hiện đang thiếu hướng dẫn và công cụ về cách lồng ghép yếu tố giới vào quá trình lập kế hoạch và phân bổ ngân sách.
Hiểu được tầm quan trọng của NSTNG, dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam, đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu và chính phủ Đức, thông qua GIZ đã triển khai chuỗi hoạt động hỗ trợ bao gồm nghiên cứu thực trạng tại Việt Nam, cung cấp kinh nghiệm quốc tế của các quốc gia đã triển khai NSTNG thành công. Trong số đó, có thể kể đến hai nước có trình độ phát triển kinh tế xã hội khá tương đồng với Việt Nam, bao gồm:
Indonesia là một hình mẫu tiêu biểu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về triển khai NSTNG. Năm 2000, Sắc lệnh Tổng thống đã được ban hành, yêu cầu lồng ghép giới trong mọi chính sách, chương trình và ngân sách của các cơ quan chính phủ, NSTNG cũng đã được mở rộng từ cấp quốc gia đến địa phương.
Tiêu biểu là việc xây dựng sổ tay NSTNG, thể chế hóa các công cụ phân tích giới trong toàn bộ chu trình ngân sách, sử dụng hệ thống KRISNA để theo dõi chi tiêu liên quan đến giới, và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quá trình lập ngân sách địa phương.
Hướng đi cho Việt Nam, vai trò then chốt của Bộ Tài chính
Trong bối cảnh chi tiêu công toàn cầu đang đối mặt với cắt giảm nghiêm trọng, ước tính đến năm 2025, có tới 75% quốc gia sẽ phải giảm chi ngân sách để duy trì ổn định tài khóa, theo Ngân hàng Thế giới. Cùng lúc đó, các chương trình chuyên biệt về bình đẳng giới chỉ nhận được chưa tới 4% tổng viện trợ song phương toàn cầu trong năm 2023 (UN Women).
Điều này đồng nghĩa với việc phụ nữ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng tiêu cực trong tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và an sinh xã hội.

Hướng đi cho Việt Nam, vai trò then chốt của Bộ Tài chính. Ảnh minh họa
Trong bối cảnh này, việc triển khai NSTNG càng trở nên cấp thiết để biến cam kết bình đẳng giới thành hành động thực tiễn, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm.
Để NSTNG đi vào thực tiễn, Bộ Tài chính cần đóng vai trò đầu mối cho toàn bộ quá trình, đảm bảo toàn bộ chu trình ngân sách, từ lập kế hoạch đến giám sát và báo cáo được lồng ghép yếu tố giới một cách nhất quán và minh bạch.
Việc lồng ghép giới trong thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách hằng năm là bước then chốt để đưa NSTNG vào thực tiễn. Trong đó, cần có biểu mẫu thu thập sử dụng số liệu phân tách giới, các chỉ số liên quan đến giới và hướng dẫn báo cáo đánh giá tác động giới đính kèm với thông tư.
Ngoài ra, những lĩnh vực và mục tiêu ưu tiên được xác định trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 cần được xem xét trong việc lập kế hoạch ngân sách. Song song với đó, cần tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về lập kế hoạch và lập ngân sách từ góc độ giới để xác định những khoảng trống, đồng thời nâng cao năng lực về NSTNG trong hệ thống tài chính công để đảm bảo việc triển khai hiệu quả và bền vững.
Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ về bình đẳng giới, đồng thời đang đẩy mạnh cải cách hệ thống tài chính công theo hướng hiện đại và minh bạch. NSTNG chính là cầu nối tự nhiên giữa hai mục tiêu quan trọng này, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và công bằng cho mọi người dân.