Cần gần 60.000 tỷ để nâng cấp, mở rộng 4 cửa ngõ huyết mạch TP.HCM

Theo Sở GTVT TP.HCM, để nâng cấp, mở rộng 4 cửa ngõ huyết mạch liên kết vùng, thành phố cần gần 60.000 tỷ theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT.

Chiều 10/2, Sở GTVT TP.HCM thông tin, đã hoàn tất Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và chính thức trình UBND TP.HCM xem xét, thẩm định 4 dự án nâng cấp, mở rộng 4 cửa ngõ huyết mạch theo hình thức PPP và hợp đồng BOT.

Theo Sở GTVT TP.HCM, 4 dự án được đề xuất gồm dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3, thuộc địa phận Quận 12, huyện Hóc Môn); dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, TP Thủ Đức); dự án nâng cấp trục đường Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quận 7 và huyện Nhà Bè) và dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh).

TP.HCM cần khoảng 60.000 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng 4 cửa ngõ huyết mạch.

TP.HCM cần khoảng 60.000 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng 4 cửa ngõ huyết mạch.

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22

Công trình này có tổng mức đầu tư 10.045 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 59,6% (tương đương 6.234 tỷ đồng) và phần vốn nhà đầu tư huy động chiếm 40,3% (khoảng 4.217 tỷ đồng). Dự kiến, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.204 tỷ đồng.

Dự kiến dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2024-2028 theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. Thời gian thu phí khoảng 23 năm 10 tháng.

Theo Sở GTVT, Quốc lộ 22 (đường xuyên Á) là tuyến quốc lộ nối TP.HCM với cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - tỉnh Tây Ninh, là cửa ngõ quốc tế tới các nước trong khu vực ASEAN, thuộc hành lang phát triển kinh tế xã hội Đông - Tây (TP.HCM - Mộc Bài). Do đó, việc cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 là nhiệm vụ cấp bách.

Dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 13

Dự án BOT nâng cấp mở rộng quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, TP Thủ Đức), có tổng mức đầu tư khoảng 21.724 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Nhà nước chiếm 68% (tương đương khoảng 14.700 tỷ đồng) và nguồn vốn huy động chiếm 32% (khoảng 7.017 tỷ đồng).

Dự án mở rộng quốc lộ 13 dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2025-2028, theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT. Dự kiến thời gian thu phí khoảng 21 năm 4 tháng.

Dự kiến trong quý I/2025 sẽ trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, thời gian khởi công dự án vào khoảng quý III/2026 và hoàn thành vào năm 2028.

Dự án nâng cấp trục đường Bắc - Nam

Dự án nâng cấp trục đường Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Quận 7 và huyện Nhà Bè) có tổng kinh phí đầu tư khoảng 9.894 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn thành phố chiếm 47% (khoảng 4.679 tỷ đồng) và nguồn vốn huy động chiếm 53% (khoảng 5.214 tỷ đồng).

Dự kiến dự án được đầu tư trong giai đoạn 2025-2028 theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng BOT, thu phí trong khoảng 22 năm 1 tháng. Thời gian khởi công dự kiến vào quý I/2026 và hoàn thành vào năm 2028.

Bốn dự án BOT được Sở GTVT TP.HCM đề xuất đầu tư với số vốn khoảng 60.000 tỷ đồng.

Bốn dự án BOT được Sở GTVT TP.HCM đề xuất đầu tư với số vốn khoảng 60.000 tỷ đồng.

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (đoạn từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh) có tổng kinh phí đầu tư hơn 16.270 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách TP khoảng chiếm 59% (tương đương 9.611 tỷ đồng) và vốn huy động nhà đầu tư khoảng 6.659 tỷ đồng (chiếm 41%).

Theo Sở GTVT, dự kiến trong quý I/2025 trình thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư, khởi công vào quý I/2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2028.

Lương Ý

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/can-gan-60-000-ty-de-nang-cap-mo-rong-4-cua-ngo-huyet-mach-tp-hcm-ar924885.html