Cần giải pháp căn cơ đẩy lùi thất thoát, lãng phí nguồn lực lĩnh vực khoa học - công nghệ
Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh ( Long An) cho rằng: Cần thiết phải có những giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực trong lĩnh vực khoa học - công nghệ…
Trăn trở về lãng phí trong Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
Chia sẻ quan điểm của mình tại phiên họp thảo luận sáng nay, ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh cho biết: việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội hằng năm, song đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát cả giai đoạn 2016-2021. Thông qua giám sát, những sai sót, thất thoát ở nhiều lĩnh vực được chỉ rõ. Từ đó, đã có nhiều kiến nghị giải pháp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết quả giám sát này của Quốc hội đã có tác động lan tỏa, làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, được cử tri và Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Theo đại biểu, một trong những mục tiêu của giám sát này là tập trung đánh giá kết quả đạt được, vướng mắc, xác định nguyên nhân, đặc biệt là chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tác thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí”. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, báo cáo vẫn chưa chỉ rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí.
Minh chứng cho vấn đề nêu trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Điều 63, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 quy định hàng năm doanh nghiệp nhà nước bắt buộc trích lập từ 3% - 10% và doanh nghiệp ngoài nhà nước trích lập không quá 10% thu nhập trước thuế để hình thành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ doanh nghiệp. Trong giai đoạn 2015 - 2021 đã có 1.392 doanh nghiệp thực hiện trích lập Quỹ với tổng số tiền trích lập gần 24.000 tỷ đồng, trong đó mới chỉ sử dụng hơn 11.700 tỷ đồng và còn tồn đọng trên 12.000 ngàn tỷ đồng chưa được sử dụng trong thời gian dài gây lãng phí nguồn lực.
Như vậy có thể thấy, mặc dù có quy định như nêu trên, nhưng việc triển khai hoạt động của Quỹ còn nhiều vướng mắc, cụ thể như: Quy định về nội dung chi cho hoạt động khoa học và công nghệ; cơ chế giám sát chi tiêu, quyết toán và chế tài phạt nếu sử dụng không hết 70% số trích lập; quy định trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ tối thiểu và nộp về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; nghĩa vụ thuế và sử dụng Quỹ…
Đại biểu nêu thực tế, để tháo gỡ những khó khăn nêu trên, trong thời gian qua, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có một số kiến nghị gửi đến cơ quan có liên quan và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15. Trong đó, có nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về Quỹ. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư số 05 về hướng dẫn sử dụng Quỹ, phần nào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nói trên. Tuy nhiên, những vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ thuế khi doanh nghiệp trích lập và sử dụng Quỹ, hạch toán, báo cáo, quyết toán việc điều chuyển Quỹ trong nội bộ doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với các Quỹ trung ương, bộ, ngành và các địa phương vẫn chưa được sửa đổi đồng bộ. Vì vậy, đến nay vướng mắc về Quỹ vẫn chưa được giải quyết xong.
Bảy tỏ trăn trở, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Hơn 12.000 tỷ còn “nghẽn” trong Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực của nhà nước và xã hội. Nguồn lực này sẽ còn tiếp tục lãng phí nếu không có những chính sách phù hợp, kịp thời. Nhiều cử tri đã đặt câu hỏi tại sao những vướng mắc như vậy tồn tại trong suốt 5 - 6 năm qua mà vẫn không thể giải quyết triệt để và sẽ còn kéo dài đến khi nào?
Làm rõ trách nhiệm gây lãng phí đầu tư cho khoa học và công nghệ
Có thể khẳng định, mặc dù trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, song Nhà nước vẫn luôn quan tâm đầu tư cho khoa học và công nghệ. Cụ thể: Giai đoạn 2016 - 2021, ngân sách nhà nước dành khoảng từ 25.000 – trên 35.000 tỷ đồng/năm cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn về chất lượng nghiên cứu khoa học và hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Những băn khoăn này đã được quyết nghị tại điểm 0, mục 2.1 Nghị quyết kỳ họp thứ 3, QH15.
Ngoài ra, báo cáo của Đoàn giám sát tại Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ rõ: Trong giai đoạn 2016-2021, riêng Bộ Khoa học và Công nghệ có 86 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được xử lý dừng thực hiện.Trong khi đó, tổng kinh phí giao triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia trong giai đoạn này là gần 19.000 tỷ đồng. Cử tri đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phê duyệt, cấp kinh phí và triển khai thực hiện tất cả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ bị dừng thực hiện, và thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước nếu có.
Bàn về các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế trên, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Đối với Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, cần rà soát tổng thể chính sách quản lý, sử dụng Quỹ để đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định về quản lý, sử dụng. Trước mắt, Bộ Tài chính cần sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp khi trích lập và sử dụng Quỹ để sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 12 năm 2016.
Bên cạnh đó,đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu đo lường hiệu quả đầu tư cho khoa học và công nghệ. Từ đó, đánh giá đúng mức độ đóng góp của khoa học công nghệ. Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về khoa học và công nghệ; cần bổ sung phụ lục chỉ tiêu về khoa học và công nghệ trong báo cáo kinh tế - xã hội hàng năm, sau đó sớm xây dựng chỉ tiêu pháp lệnh để góp phần ngăn chặn thất thoát, lãng phí trong lĩnh vực này.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”. Để làm được điều này, cần thiết phải có những giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Do vậy, cần sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong các quy định hiện hành. Đồng thời, gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhântrong sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn lực xã hội, để khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.