Cần giải pháp căn cơ trong quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường
Sau gần một tháng ra quân tổng kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan vỉa hè, lòng đường, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội có chuyển biến; tuy nhiên, kết quả chưa bền vững do thiếu giải pháp căn cơ, bài bản.
Sau thời gian thực hiện tuyên truyền, tổ chức ký cam kết với các hộ kinh doanh, từ ngày 1/3, các quận, huyện, thị xã đồng loạt tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm. Tính đến ngày 25/3, các lực lượng đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 50 tỷ đồng; xử lý gần 7.500 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, với số tiền phạt 9,2 tỷ đồng.
Trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, nhất là tại 12 quận nội thành có chuyển biến. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện giảm dần. Các phương tiện được sắp xếp gọn gàng hơn. Các bục bệ, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang an toàn giao thông, gây mất mỹ quan đô thị được người dân và các lực lượng chức năng tháo dỡ; vệ sinh môi trường bảo đảm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, chuyển biến về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị chưa bền vững. Nhiều điểm đã bị xử lý, nhưng không duy trì được kết quả, để tái lấn chiếm. Tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán, dừng đỗ phương tiện không đúng quy định vào giờ cao điểm vẫn xảy ra.
Điển hình tại các tuyến phố: Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ, Kim Ngưu, Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng); Quán Thánh, Cửa Bắc, Trúc Bạch, Hoàng Diệu (quận Ba Đình); Tô Hiệu, Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy); Quang Trung, Phùng Hưng, Nguyễn Khuyến, Văn Quán (quận Hà Đông); Lĩnh Nam, Hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai)...
Thành phố đã nhiều lần ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, nhưng kết quả hạn chế. Chỉ sau các đợt cao điểm xử phạt, các vi phạm tái diễn. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này xuất phát từ hạ tầng đô thị, nhất là tại khu vực phố cổ, phố cũ còn hạn chế, trong khi mật độ dân cư đông đúc. Vỉa hè được thiết kế hẹp, nhiều nơi không đủ chỗ dựng xe máy. Hạ tầng giao thông, nhất là diện tích đất dành cho giao thông tĩnh quá thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu để xe của người dân.
Theo số liệu từ Sở Giao thông vận tải Hà Nội, năm 2022 thành phố có khoảng 350 nghìn phương tiện đăng ký mới, trong đó khoảng 100 nghìn xe ô-tô. Đến nay, thành phố đã có 7,8 triệu phương tiện, nhưng tỷ lệ đất giao thông mới đạt 10,35%, cách xa so với mục tiêu là 20%. Đất dành cho giao thông tĩnh chưa đạt 1%, đáp ứng chưa tới 25% nhu cầu thực tế. Cùng với đó, công tác quản lý của chính quyền cơ sở yếu kém. Số người dân sử dụng hè, lòng đường để mưu sinh rất lớn.
Vì thế, trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố cần sớm chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu đưa ra các tiêu chí cụ thể cho phép đỗ phương tiện dưới lòng đường, trên vỉa hè; cho phép tổ chức trông giữ phương tiện tạm thời tại vị trí đất thuộc các dự án chưa triển khai, tạm dừng triển khai.
Thành phố cũng cần có quy định cụ thể về quản lý phương tiện ô-tô dừng, đỗ trên hè phố; chỉ đạo các quận, huyện, thị xã có phương án sắp xếp cho các hộ kinh doanh trên hè phố, các điểm trông giữ phương tiện, các chợ tự phát, chợ cóc (sau khi giải tỏa) để vừa bảo đảm trật tự đô thị, vừa bảo đảm cuộc sống của người dân.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị giao ban quý I/2023 giữa Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, công tác quản lý, sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, bất cập, cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ. Đồng chí đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục chỉ đạo các lực lượng triển khai các biện pháp duy trì trật tự vỉa hè, lòng đường theo kế hoạch, chú trọng các biện pháp duy trì kết quả.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố tập trung chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp tổng thể, lâu dài để quản lý, sử dụng hiệu quả hè phố, lòng đường, tránh tình trạng “bắt cóc, bỏ đĩa”, trong đó cần quan tâm đến công tác quản lý, sử dụng vỉa hè ngay từ khi lập quy hoạch, gắn với thiết kế đô thị từng tuyến phố, tuyến đường phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, địa bàn cụ thể. Nghiên cứu cho thuê kinh doanh trên vỉa hè, bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những vị trí, thời gian phù hợp...
Thành phố cần công khai quy hoạch để lấy ý kiến người dân. Sau khi quy hoạch được sự đồng thuận của người dân thì tiến hành số hóa để tổ chức thực hiện, bảo đảm công tác quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường ngày càng hiệu quả, bền vững.