Cần giải pháp mạnh hơn để ngăn đuối nước ở lứa tuổi học sinh
Từ đầu năm học 2024-2025 (tháng 9-2024) đến nay, trên địa bàn Đồng Nai đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm với nạn nhân ở lứa tuổi học sinh (6-18 tuổi) khi đi chơi, tắm tại các ao, hồ, rạch gần khu dân cư.

Lực lượng cứu nạn tìm kiếm, đưa thi thể em H.P.V. (13 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) bị đuối nước vào sáng 8-11-2024 (tại phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) lên bờ. Ảnh: CTV
Điều này đặt ra vấn đề phải chăng các giải pháp tuyên truyền, cảnh báo thời gian qua chưa đủ quyết liệt, hiệu quả và cần có “liều thuốc” mạnh hơn để ngăn ngừa các vụ việc thương tâm có thể xảy ra.
Ham vui nhất thời, nỗi đau một đời
Thời gian gần đây, toàn tỉnh đã ghi nhận không ít vụ đuối nước thương tâm liên quan đến lứa tuổi học sinh. Tình huống chung đều xuất phát từ việc các em rủ nhau đi tắm, bơi tại các ao, hồ, rạch, suối… gần nhà, dẫn đến tai nạn đuối nước. Dù người lớn nhanh chóng chạy đến hiện trường nhưng vẫn không thể cứu được các nạn nhân.
Cụ thể, vào trưa 14-3, em N.P.T.V. (nam, 14 tuổi, ngụ huyện Long Thành) bị đuối nước khi tắm cùng nhóm bạn tại một hồ nước ở xã Long An (huyện Long Thành). Hay sáng 4-1, em T.V.N.A. và em N.Q.V. (đều là nam, 11 tuổi, cùng ngụ huyện Cẩm Mỹ) bị đuối nước khi cùng nhóm bạn chơi tại khu vực suối Thác Tàu (xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ). Trước đó, sáng 8-11-2024, em H.V.P. (nam, 13 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) bị đuối nước tại rạch Lung (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) khi xuống rạch gỡ dây câu cá bị vướng.
Đáng nói, các khu vực xảy ra tai nạn đuối nước nói trên đều ở gần khu dân cư, dẫn tới việc các em lứa tuổi học sinh do bản tính hiếu động, tò mò, thích nghịch nước rủ nhau đến ao, hồ, suối gần nhà chơi. Các ao, hồ, suối này khác với hồ bơi ở chỗ dòng chảy phức tạp hoặc địa hình đáy gồ ghề, dễ có dị vật... Chính vì vậy, trong quá trình tắm, chơi tại các khu vực này, luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước nếu không được cứu kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ phường Bửu Long) bày tỏ, thời tiết đang vào giai đoạn cao điểm mùa khô 2024-2025, trời nắng nóng nên các em học sinh thường rủ nhau đi tắm ao, hồ, nhất là vào dịp nghỉ hè sắp tới. Dù người lớn trong nhà hoặc người dân địa phương luôn nhắc nhở nhưng tai nạn đuối nước đau lòng vẫn có thể xảy ra. Việc này đòi hỏi mỗi gia đình phải có trách nhiệm hơn trong quản lý con em, chung tay với chính quyền, cơ quan chức năng để hạn chế các nguy cơ này.
Ngay từ đầu mùa khô năm 2025, Công an tỉnh đã khuyến cáo, để phòng ngừa tai nạn đuối nước mùa nắng nóng, người lớn cần thường xuyên giám sát kỹ trẻ em, dạy cho trẻ biết mối nguy hiểm của đuối nước, không cho trẻ chơi đùa quanh ao, hồ, đặc biệt là các công trường đang xây dựng. Khi đi tắm biển, sông, hồ, thác nước chỉ nên tắm gần bờ, mang áo phao, không nên xuống nước khi đã sử dụng rượu, bia, chất kích thích.
Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước
Trên thực tế, việc cảnh báo nguy cơ đuối nước vẫn liên tục được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền đến các hộ dân. Việc này được thực hiện xuyên suốt từ đầu mỗi năm học hoặc các giai đoạn giao mùa, kỳ nghỉ hè…
Theo UBND xã Long An (huyện Long Thành) và UBND xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ), sau các sự cố đau lòng nói trên, chính quyền địa phương đã nhắc nhở đến các khu dân cư về nguy cơ đuối nước. Đồng thời, phối hợp với các trường học tại địa phương tuyên truyền, cảnh báo cho học sinh về nguy hiểm có thể xảy ra khi tắm, chơi tại những khu vực ao, hồ, suối…
UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1717/QĐ-TTg ngày 31-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2035 trên toàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể, đến năm 2030 có 95% cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và các cá nhân liên quan được truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức, trách nhiệm về phòng, chống đuối nước học sinh; có 70% học sinh được dạy kiến thức và thực hành kỹ năng phòng, chống đuối nước; tối thiểu 55% học sinh lớp 5, 65% học sinh lớp 9 và 75% học sinh lớp 12 biết bơi an toàn…
Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh cho hay, ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình, tài liệu và hướng dẫn đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, dạy bơi an toàn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, người làm công tác y tế trường học. Cùng với đó là chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan lồng ghép việc cảnh báo đuối nước, trách nhiệm của gia đình, của mỗi học sinh trong việc bảo vệ an toàn cho chính mình trước nguy cơ đuối nước.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của mỗi người lớn trong gia đình cũng cần được phát huy, vì thực tế người hiểu và sâu sát nhất với các em học sinh phải là cha mẹ, người giám hộ các em. Vì vậy, mỗi gia đình sẽ có biện pháp riêng, phù hợp để nhắc nhở, hướng dẫn con em mình các kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối nước.