Giáo viên nói gì về xét tuyển ngành sư phạm nhưng không có môn chính?

Các em học sinh cần cân nhắc thật kĩ trước khi chọn nghề nghiệp nói chung, khi chọn nghề giáo lại càng phải cân nhắc kĩ càng hơn.

Hiện nay, một số trường có đào tạo ngành Sư phạm đã công bố phương án tuyển sinh năm 2025. Có trường xét tuyển ngành sư phạm nhưng không có môn chính của ngành đó. Ví dụ, ngành Sư phạm Lý nhưng không có môn Lý trong tổ hợp môn xét tuyển, mà tổ hợp môn xét tuyển gồm Toán – Ngữ văn - tiếng Anh, hoặc Toán – Ngữ văn – Hóa học.

Ngành sư phạm Khoa học tự nhiên, các tổ hợp xét tuyển chủ yếu gồm: Toán, Vật lí, Hóa học ; Toán, Vật lí, Tiếng Anh; Toán, Hóa học, Sinh học; Toán, Vật lí, Sinh học, Ngữ văn, Toán, Hóa học, Ngữ văn, Toán, Vật lí,…

Điều này gây băn khoăn, xét tuyển ngành sư phạm nhưng không có môn chính của ngành đó, thí sinh đậu đại học, ra trường liệu có dạy tốt không? Thí sinh cần chú ý điều gì khi dự xét tuyển ngành sư phạm nhưng không có có môn chính của ngành đó?

Thầy giáo Nguyễn Trung Duẩn, giáo viên bộ môn Hóa Học tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng: “Xét tuyển ngành sư phạm nhưng không có môn chính của ngành đó, ví dụ như ngành Sư phạm Hóa học nhưng không có môn Hóa học sẽ có thể có hai trường hợp.

Thứ nhất, thí sinh có học môn Hóa học ở trung học phổ thông nhưng đậu ngành Sư phạm Hóa học ở tổ hợp môn không có môn Hóa học. Ở trường hợp này, không có quá nhiều lo lắng vì thí sinh đã chọn đúng môn học mình có năng lực khi vào lớp 10.

Thứ hai, thí sinh không chọn học môn Hóa Học ở trung học phổ thông, nhưng lại đậu ngành Sư phạm Hóa học ở tổ hợp môn không có môn Hóa học. Trường hợp này, có thể nói là “thảm họa” cho chính bản thân thí sinh trong quá trình học tập, công tác sau này.

Ngay bản thân thí sinh khi chọn các môn học tự chọn ở trung học phổ thông đã từ chối môn Hóa học, đồng nghĩa với thí sinh không có phẩm chất, năng lực, yêu thích bộ môn và các ngành nghề liên quan đến bộ môn Hóa học.

Một người không yêu thích bộ môn, không có năng lực, phẩm chất với bộ môn Hóa học thì rất khó để học tốt, hay hướng dẫn người khác học tập bộ môn Hóa học.

Từ thực tế bản thân, tôi có lời khuyên chân thành với các thí sinh, nếu không học môn Hóa học ở trung học phổ thông thì cần cân nhắc kĩ càng khi tham gia xét tuyển ngành Sư phạm Hóa học. Nếu là con tôi, tôi sẽ khuyên con tuyệt đối không tham gia xét tuyển vào ngành sư phạm mà mình không học học môn đó ở trung học phổ thông, dù chắc chắn mình sẽ đậu”.

 Thầy giáo Nguyễn Trung Duẩn và học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Trung Duẩn và học sinh. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Quốc Đạt ở Thủ đô Hà Nội chia sẻ: “Xét tuyển ngành sư phạm nhưng không có có môn chính của ngành đó, theo tôi là một bất cập có thể chưa thấy hậu quả trước mắt, nhưng về lâu, về dài, sẽ thấy rõ.

Thực tế, những học sinh phổ thông tôi đã dạy và sau này trở thành đồng nghiệp, học sinh nào học tốt môn nào thì sẽ dạy tốt môn đó hơn so với môn khác. Ví dụ, khi học trung học phổ thông, học tốt môn Hóa, đậu học sinh giỏi môn Hóa, học Sư phạm Hóa, sẽ dạy tốt môn Hóa hơn so với giáo viên khác, đó là khi so sánh hai người cùng học môn Hóa ở phổ thông.

Còn nếu khi học trung học phổ thông mà không học môn Hóa, nay học Sư phạm Hóa, đi dạy Hóa, thì rất khó dạy tốt môn Hóa được. Không phải ngẫu nhiên mà các trường trung học phổ thông chuyên khi tuyển giáo viên thường có tiêu chuẩn đã đậu học sinh giỏi quốc gia, là cựu học sinh trường trung học phổ thông chuyên, thầy muốn dạy giỏi phải học giỏi trước đã.

Thầy không học giỏi, không học bộ môn ở trung học phổ thông, thì lo lắng không dạy tốt bộ môn đó cũng không phải là vô căn cứ. Vì vậy, tôi khuyên các thí sinh có ý định theo nghề nhà giáo, nếu môn nào mình không học giỏi, không học ở trung học phổ thông, thì tuyệt đối đừng đi dạy môn đó, khổ cả mình cả học sinh sau này”.

 Thầy giáo Nguyễn Quốc Đạt với học sinh nay là đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Nguyễn Quốc Đạt với học sinh nay là đồng nghiệp. Ảnh: NVCC

Một đồng nghiệp, từng tốt nghiệp ngành Sư phạm Vật lý loại giỏi, nay là tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên cho biết: “Tôi thi khối A (Toán, Lý, Hóa), đậu sư phạm Lý, có chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Thật lòng, nhờ hồi học trung học phổ thông học tốt Toán, Lý, Hóa để thi đại học nên giờ đây tôi tự tin dạy phần Vật lý, Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên; môn Sinh học ngày xưa học để qua môn nên giờ đây tôi gần như “trắng”, phải tự học, tự bồi dưỡng nhiều lắm, may ra dạy ở mức đạt phần Sinh học.

Tôi khuyên các thí sinh, nếu không học tốt, không học đủ ba môn Lý, Hóa, Sinh ở trung học phổ thông, các em không nên chọn ngành Sư phạm Khoa học tự nhiên. Các em học sinh cần cân nhắc thật kĩ trước khi chọn nghề nghiệp nói chung, với nghề giáo lại càng phải cân nhắc kĩ càng hơn. Bởi công việc này không chỉ gắn bó với bản thân các em mà còn ảnh hưởng đến mấy chục thế hệ học sinh các em sẽ dạy sau này nếu theo nghề giáo”.

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-vien-noi-gi-ve-xet-tuyen-nganh-su-pham-nhung-khong-co-mon-chinh-post250121.gd