Cần gỡ 'chiếc áo logistics' đã chật cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Mối băn khoăn chung của nhiều doanh nghiệp và giới đầu tư ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là họ chưa được đáp ứng đầy đủ kho lạnh, kho bảo quản, kho bãi có chất lượng cao, cũng như đối mặt thường xuyên với tình trạng ùn tắc giao thông, kéo dài thời gian vận chuyển... 'Chiếc áo logistics' có vẻ như đã chật và đang 'kìm chân' sự phát triển của khu vực này.
Đề xuất gần đây cho việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics ở vùng Đông Nam Bộ (với đa phần là các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam), đứng ở góc độ là Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm Tp.HCM (FFA), bà Lý Kim Chi nhấn mạnh rất cần đầu tư thêm các kho lạnh, kho bảo quản.
“Kìm chân” xuất nhập khẩu
Theo bà Chi, số lượng các kho này hiện tại vẫn còn hết sức hạn chế, đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng lưu trữ và vận chuyển của doanh nghiệp (DN), nhất là đối với ngành lương thực thực phẩm nói riêng và các ngành khác nói chung.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới cần đột phá chính sách phát triển hạtầng logisticsvà đẩy nhanh triển khai, hoàn thành các dự án đầu tư quan trọngđể đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của doanh nghiệp.
Chính mặt hạn chế như vậy, cho nên như lưu ý của vị chủ tịch của FFA, đã làm giảm giá trị sản phẩm, ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển và lưu trữ. Trong khi đó, Chính phủ và các địa phương trong vùng (kể cả Tp.HCM) vẫn chưa có những cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích và đầu tư cho lĩnh vực này với tính chất là quốc sách chung từ Trung ương cho đến địa phương.
“Với việc đầu tư vào những kho lạnh, kho bảo quản, nếu không có chính sách thì DN tự thân vận động sẽ không thể làm được. Như vừa rồi chúng tôi có đề xuất với chính quyền Tp.HCM về chính sách làm kho lạnh, đã được tiếp nhận để đưa vào một trong những chương trình phát triển của Thành phố, nhưng rất cần các địa phương trong liên kết vùng xem trọng sự cần thiết của hệ thống về kho bảo quản, kho lạnh. Bởi vì nếu không đồng bộ với nhau thì việc bảo quản, vận chuyển và giá thành của sản phẩm sẽ rất khó khăn”, bà Lý Kim Chi bộc bạch.
Cho nên, vị chủ tịch FFA cho rằng vùng Đông Nam Bộ cần có cơ chế chính sách để hỗ trợ chung cho DN về mảng đầu tư kho lạnh, kho bảo quản. Các DN đều cần, nếu như không có cơ chế hỗ trợ chính sách từ Trung ương thì DN sẽ rất khó làm.
Ngoài chia sẻ nêu trên, trong một chương trình đối thoại chính sách 2024 vừa diễn ra vào trung tuần tháng 9/2024 tại Tp.HCM, ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm Đầu tư & Thương mại của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), có dẫn lại phản ảnh của các nhà đầu tư nước ngoài về việc kết cấu hạ tầng logistics Tp.HCM chưa đáp ứng nhu cầu, thường kẹt ở sân bay, ngõ vào cảng biển, cao tốc. Đơn cử như đường vào cảng Cát Lái, cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây thường xuyên kẹt. Hoặc như Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có thời gian xếp hàng làm thủ tục kéo dài khiến nhà đầu tư rất băn khoăn.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng chỉ rõ trong khi Tp.HCM vẫn chưa có trung tâm logistics quy mô lớn, hạ tầng đường bộ xung quanh Thành phố chưa đạt tiêu chuẩn, thì hạ tầng logistics của khu vực lân cận Thành phố này cũng chưa mạnh. Chẳng hạn như khu vực phía Nam của tỉnh Bình Dương thiếu kho bãi mới chất lượng cao.
Nhiều ý kiến từ phía DN đã bày tỏ sự đồng tình với chia sẻ của ông Đức. Họ than phiền hạ tầng logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của các DN. Đặc biệt là tình trạng ùn tắc giao thông trên những tuyến đường vận chuyển huyết mạch vẫn diễn ra triền miên, điển hình là khu vực quanh cảng Cát Lái (Tp.HCM), Quốc lộ 51, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây…
Chờ đột phá chính sách, đẩy nhanh các dự án
Trước thực trạng kẹt xe ở Quốc lộ 1A ở cửa ngõ Tây Nam Tp.HCM, hồi năm rồi Tp.HCM đã thông qua chủ trương mở rộng đoạn Quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh) sẽ được mở rộng lên 52m cho 8 làn xe, vốn đầu tư gần 12.900 tỷ đồng theo hình thức BOT. Và cách đây 2 tháng, Sở Giao thông - Vận tải Tp.HCM đã duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để chuẩn bị triển khai dự án vào cuối năm 2025, hoàn thành vào năm 2028.
Bên cạnh việc đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông để giải quyết vấn đề kẹt xe nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cho các DN, tại một hội thảo bàn về quản lý đô thị ở Tp.HCM vào ngày 19/9, PGs.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất hiện nay của Tp.HCM là cần tăng cường nhận thức tại các cơ quan ra quyết định đầu tư giao thông của thành phố này. Điều đó sẽ giúp cho quá trình quản lý kế hoạch phân bổ vốn đầu tư hằng năm cho lĩnh vực giao thông sẽ thay đổi.
Hoặc như hôm 18/9, Bộ Chính trị đã cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong đó có nhấn mạnh đến tăng cường kết nối vùng, miền, bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam.
Theo giới chuyên gia, việc thực hiện mạng lưới đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hẹp rào cản kết nối hàng hóa với các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Năng lực di chuyển người và hàng hóa nhanh chóng trên mạng lưới đường sắt cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các DN trong vùng.
Riêng về việc phát triển cảng biển ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo dự kiến công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải (cách Tp.HCM 60km), bao gồm các bến do Gemadept, CTCP Cảng Sài Gòn và các công ty logistics khác sở hữu và vận hành, dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm 2025, trong đó Gemadept sẽ tăng gấp đôi số bến mà họ vận hành tại Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, Chính phủ đang xem xét xây dựng một cảng trung chuyển chuyên dụng tại Cần Giờ.
Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital, điều đó giúp Việt Nam cạnh tranh với Singapore và Hồng Kông về kinh doanh trung chuyển vì phí xử lý cảng của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng một nửa so với Singapore ngay cả khi tăng 10% phí xử lý cảng - đã có hiệu lực hồi đầu năm nay. Ngoài ra, với việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành vẫn đang tiến triển với một nhà ga hàng hóa dự kiến khởi công vào cuối năm nay. Tất cả đều nằm trong các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ.
Tựu trung, để đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của DN, cũng như không “kìm chân” hoạt động xuất nhập khẩu thì các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải cần tiếp tục có những đột phá trong phát triển hạ tầng logistics, từ khâu chính sách cho việc đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, kho bãi, cảng biển, kho lạnh, kho bảo quản, kho bãi chất lượng cao…