Cần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 7, sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, đa số ý kiến các đại biểu đều bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 với rất nhiều nỗ lực, kết quả tích cực đã đạt được... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ những tồn tại, hạn chế và kiến nghị một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới...

Cần tiếp tục có cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên bày tỏ thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, kinh tế xã hội nước ta tiếp tục duy trì đà tăng trưởng phục hồi, nằm trong nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm…

 Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đại biểu, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 còn một số hạn chế, tồn tại như: tổng cầu trong nước còn yếu, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh, logistic trong nông nghiệp, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn…

Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, cần tiếp tục có cơ chế, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển nhanh, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, để ngành công nghiệp này trở thành trụ đỡ của nền kinh tế, là nền tảng và động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp và nền kinh tế.

 Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp).

Bên cạnh đó, tiếp tục có những giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, làm gia tăng hơn nữa giá trị và hiệu quả của chuỗi cung ứng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Cuối cùng, đại biểu đề nghị, cần tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đồng bộ kết nối đến tận các vùng nguyên liệu; có chính sách để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào nông nghiệp nông thôn bao gồm cả đầu tư theo hình thức đối tác công tư nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội để tăng đầu tư kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn…

Hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố hết sức quan trọng, trong đó vấn đề tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cần phải được quan tâm trên hết.

 Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu đề nghị khẩn trương đưa chính sách mới ban hành vào cuộc sống giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật điều chỉnh, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu cũng đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế. Tuy nhiên Chính phủ, các bộ, ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.

Đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; trong đó tập trung triển khai nghiêm túc Nghị định 73 năm 2023 của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng đã ban hành về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ đồng tình với những nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế... Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về những tồn tại hiện nay, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao, nhiều dự án đầu tư còn dở dang…

 Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu thảo luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất kiểm soát lạm phát.

Đại biểu nêu rõ, thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch COVID-19, do đó cần phải có những giải pháp tương thích. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.

Cũng theo đại biểu, kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức nên dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, đại biểu cho rằng phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN…

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/can-han-che-tinh-trang-nhung-nhieu-tieu-cuc-gay-kho-khan-cho-doanh-nghiep-158633.html