Cần hành động khu vực để giải quyết cuộc khủng hoảng chất lượng không khí ở châu Á
Dữ liệu thống kê cho thấy hàng năm, ô nhiễm không khí cướp đi nhiều mạng sống hơn cả thuốc lá, trong đó trẻ em và người già nằm trong nhóm có nguy cơ nghiêm trọng. Tổng hợp các chất độc hại mà con người tiếp xúc có thể làm giảm đến 2,3 năm tuổi thọ, và ước tính có khoảng 570.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết mỗi năm chỉ vì hít thở không khí ô nhiễm.
Năm 2019, thế giới có khoảng 7 triệu người tử vong vì ô nhiễm không khí, nhiều người khác bị đau tim, đột quỵ, hoặc phát triển ung thư.
Được biết, các động cơ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch đang gây ô nhiễm không khí với nitơ dioxide, sulfur dioxide, carbon monoxide, benzen và các hạt vật chất gây hại cho con người, đồng thời chúng cũng thải ra các loại khí nhà kính như carbon dioxide, metan và oxit nitơ, góp phần gây biến đổi khí hậu. Các hạt này đủ mịn để xuyên qua các mạch máu xuyên đến phổi, và thậm chí vào bên trong não. Không ai tránh khỏi tình trạng ô nhiễm này, từ trẻ sơ sinh đến những người sống ở vùng sâu vùng xa.
Thế nhưng, không thiếu các giải pháp để giảm ô nhiễm không khí. Một loạt các biện pháp, từ ban hành các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn cho đến áp dụng các công nghệ tiên tiến, đều khá phổ biến và dễ thực hiện. Tuy nhiên, chất lượng không khí chỉ nhận được 1% kinh phí phát triển quốc tế và 2% tài chính công về khí hậu toàn cầu.
Theo khuyến nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cần thừa nhận rằng không khí ô nhiễm có tác động xuyên biên giới và phải được giải quyết theo khu vực. Các diễn đàn khu vực đang mang đến cho các nước cơ hội tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và điều chỉnh các chiến lược quốc gia để làm sạch bầu trời chung.
Thông qua những nền tảng như vậy, có thể nhấn mạnh rừng của một quốc gia có vai trò quan trọng đối với chất lượng không khí của các quốc gia khác vì lượng oxy mà chúng tạo ra, lượng CO2 mà chúng hấp thụ và các hạt vật chất mà chúng sẽ giải phóng nếu bốc cháy.
Hiện tại, chỉ có 1/3 các nước châu Á đặt tiêu chuẩn quốc gia về vật chất dạng hạt - chất gây ô nhiễm không khí có hại nhất. Tiêu chuẩn này là cần thiết để theo dõi tiến trình hướng tới các hướng dẫn y tế quốc tế.
Bằng cách đặt chất lượng không khí làm trọng tâm của tài chính giao thông vận tải, các nước có thể trao quyền cho 75% người dân sống ở các thành phố châu Á sử dụng phương tiện công cộng theo các cách chống biến đổi khí hậu và kiểm soát chất lượng không khí họ hít thở hàng ngày.
Ở cấp độ cá nhân, mỗi người dân có quyền lựa chọn lối sống nhằm giảm thiểu ô nhiễm. Ở cấp quốc gia, chính phủ có thể bảo vệ rừng, thực thi các tiêu chuẩn phát thải và khai thác các lợi ích tái tạo của rác thải nông nghiệp và đô thị thông qua việc lấy sức khỏe cộng đồng làm nền tảng để xây dựng các chính sách và tiêu chuẩn không khí sạch.
Theo ADB, các nước có thể phối hợp các nỗ lực quốc gia để phục hồi 2,3 năm tuổi thọ cho mỗi người dân, cứu sống gần 7 triệu người/năm và hạ nhiệt độ hành tinh xuống trước khi chạm ngưỡng tăng 1,5 độ. Nếu mỗi người dân thực hiện tốt phần việc của mình trong nỗ lực này, chúng ta sẽ cùng nhau biến bầu trời xám xịt ở châu Á - Thái Bình Dương trở lại màu xanh trong trước đó.