CẦN HOÀN THIỆN CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI VÀ GIÁ ĐẤT TRONG DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu và chuyên gia nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa định hướng trong văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội, đặc biệt đã thể chế hóa các mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết 18-NQ/TW và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn phù hợp với xu thế phát triển, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai và giá đất.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC HẢI DỰ TỌA ĐÀM GÓP Ý VỀ CÁC QUY ĐỊNH CỦA DỰ THẢO LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI) LIÊN QUAN ĐẾN TÀI CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI VÀ GIÁ ĐẤT

PGS.TS NGÔ TRÍ LONG: ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TỐI ƯU ĐỂ ĐỊNH GIÁ ĐẤT SÁT VỚI GIÁ THỊ TRƯỜNG

Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai và giá đất

Góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, hiện Luật Đất đai (sửa đổi) đang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân từ ngày 13/1 đến ngày 15/3, Ủy ban Kinh tế là cơ quan thẩm tra sẽ tổ chức các buổi làm việc với các đối tượng chịu sự tác động của Luật cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học để lấy ý kiến. Vấn đề tài chính về đất đai và giá đất là nội dung rất quan trọng để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW trong Luật Đất đai.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa định hướng trong văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội và đặc biệt thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm giải pháp lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương và giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn phù hợp với xu thế phát triển, trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai và giá đất.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai, dự thảo Luật đã rà soát, hoàn thiện các quy định về việc miễn giảm tiền sử dụng đất. tiền thuê đất, bổ sung các trường hợp miễn giảm theo lĩnh vực, địa phương, địa bàn, ưu tiên, ưu đãi và đối tượng chính sách, bổ sung quy định về điều tiết nguồn cung từ đất từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về ngân sách trung ương để hỗ trợ cho phát triển. Quy định UBND các cấp, các tỉnh căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương quy định điều tiết việc hỗ trợ hợp đồng dân cư, nơi có đất bị thu hồi và cho người có đất bị thu hồi.

Dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định về khung giá đất của Chính phủ. Đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất. Quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm và được công bố công khai áp dụng từ 1/1 hàng năm, bổ sung trình tự xây dựng bảng giá đất, trách nhiệm HĐND, UBND trong xây dựng bảng giá đất. Và quy định việc xây dựng bảng giá đất theo vùng giá trị, thừa đất chuẩn và các khu vực có bản đồ địa chính và cơ sở dữ liệu giá đất. Quy định mở rộng thành phần Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình định giá.

Về giá đất cụ thể, dự thảo quy định phân cấp, phân quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất tổng thể đối với các trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi việc sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Đối với khu vực đã có bảng giá đất đối với từng thừa đất theo vùng giá trị đất, giá trị thửa đất chuẩn thì việc định giá cụ thể xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá.

Đề nghị quy định về vai trò của Hội đồng thẩm định giá đất không trùng lắp với vai trò, chức năng của tổ chức tư vấn định giá đất

Đề cập đến Hội đồng thẩm định giá đất và tổ chức tư vấn định giá đất, đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội bày tỏ đồng tình Điều 157 về tư vấn định giá đất, và cho rằng tổ chức tư vấn định giá là cơ quantổ chức độc lập hoàn toàn về chuyên môn, còn Hội đồng thẩm định giá sẽ đánh giá, kiểm tra lại quá trình và lựa chọn kết quả phù hợp nhất. Chính vì vậy, khi quy định về chức năng của Hội đồng thẩm định giá, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị không nên quy định Hội đồng này phải thực hiện các phương pháp, nguyên tắc và thu thập số liệu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu quy định như khoản 5 Điều 156 thì công việc của Hội đồng thẩm định giá và công việc của tổ chức tư vấn định giá đất không khác nhau. Do đó đề nghị nên trình bày lại rõ hơn vai trò của Hội đồng thẩm định giá đất không trùng lắp với vai trò, chức năng của tổ chức tư vấn định giá đất. Ngoài ra, Hội đồng thẩm định giá đất còn đóng vai trò xác định chế độ, chính sách để quyết định nhà đầu tư ưu tiên.

Bàn về quyền hạn của tổ chức tư vấn định giá, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, mặc dù là tổ chức tư nhân tư vấn độc lập nhưng quan trọng nhất, tổ chức này phải thu thập được thông tin đầu vào, dữ liệu có căn cứ để làm cơ sở khuyến cáo giá đất. Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị nên bổ sung quyền hạn của tổ chức tư vấn định giá là được quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước quản lý thông tin về đất đai cung cấp các thông tin, phục vụ cho mình.

Cho rằng tài chính về đất đai gồm giá và thuế, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận thấy, thuế chưa đề cập nhiều trong dự thảo Luật, và thuế sử đụng đất là thuế quan trọng nhất thì dự thảo Luật không có. Nghị quyết 18-NQ/TW cũng nêu rõ làm sao phải điều tiết nguồn lợi ích tăng lên từ đất đai chủ yếu thông qua thuế, điều tiết chống đầu cơ cũng thông qua thuế, do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị trong Điều 147 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định về các loại thuế sẽ phải thu, còn thu như thế nào thì Luật Thuế sẽ quy định cụ thể và đưa ra cơ chế để thu.

Đề nghị bổ sung khoản thu liên quan đến thuế sử dụng đất, thuế do đầu cơ đất đai, chậm sử dụng đất, sử dụng nhiều nhà đất

Đồng tình với ý kiến đại biểu Hoàng Văn Cường về Điều 147 của dự thảo Luật, ông Đàm Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung thêm các khoản thu từ đất là khoản thu từ thuế sử dụng đất. Dự thảo chưa quy định về thuế sử dụng đất. Theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, có yêu cầu quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng đất có nhiều đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất đai, chậm sử dụng đất, bỏ hoang hóa, lãng phí đất đai. Do đó, đề nghị điều khoản này cần bổ sung thêm khoản thu liên quan đến thuế sử dụng đất, thuế do đầu cơ đất đai, chậm sử dụng đất, sử dụng nhiều nhà đất…

Ông Đàm Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh

Theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, nghiên cứu cơ chế điều tiết giá trị thặng dư từ đất đai mà không phải do người sử dụng đất tạo ra. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa quy định sửa đổi, bổ sung bảng giá đất trong năm. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh nêu ví dụ trong năm có khu vực nào đó đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng hoặc giá đất tăng lên thì cần phải điều chỉnh bảng giá đất. Do đó, cần có quy định bảng giá đất để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Đàm Trung Hiếu cũng đề nghị bổ sung cơ chế hỗ trợ, nguồn kinh phí hỗ trợ cho người sử dụng đất bị hạn chế mục đích sử dụng đất mà giảm giá trị do Nhà nước hoặc các dự án đầu tư gây ra. Ví dự như khi làm đường, làm cầu, các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi việc thực hiện dự án. Điều 148 của dự thảo quy định điều tiết nguồn thu sử dụng đất, đối tượng hỗ trợ cộng đồng dân cư có đất bị thu hồi, do đó cần bổ sung thêm đối tượng này. Đồng thời Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Đàm Trung Hiếu cho rằng nên xem xét, chỉnh sửa “hỗ trợ cộng đồng dân cư có đất bị thu hồi” bởi các đối tượng này và phạm vi rất rộng nên việc hỗ trợ sẽ rất khó.

Trong quá trình thực hiện việc định giá đất ở địa phương, mặc dù trong thời gian qua, tiêu chuẩn thẩm định giá, phương pháp định giá đã có quy định, tuy nhiên Hội đồng định giá, tư vấn định giá vẫn còn vướng mắc trong việc định giá đó là: xác định thế nào là giá tính được. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Đàm Trung Hiếu đề nghị cần có nguyên tắc xác định thế nào là định giá, các yếu tố tăng giảm đột biến để các địa phương dễ thực hiện.

Về tính độc lập của các cơ quan định giá đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho rằng, nên thống nhất cơ quan tài chính là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, còn UBND tỉnh là cơ quan quyết định giá đất, không nên đưa Phó Chủ tịch UBND là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất. Về các thành phần tham gia định giá đất, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho rằng nên xem xét Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia nhiều khâu liên quan đến đất đai như giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thuê đơn vị tư vấn để định giá đất, tham gia Hội đồng để trình UBND.

Băn khoăn về giá đất có đảm bảo tính độc lập theo nguyên tắc, quy định của Điều 152-156, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho rằng, trong Hội đồng thẩm định giá đất, để đảm bảo tính độc lập và chuyên môn, nên quy định cứng một số cơ quan tham gia Hội đồng thẩm định giá đất, còn tùy từng dự án có các cơ quan, tổ chức, cá nhân được mời tham gia. Do đó, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm về vấn đề này./.

Bích Ngọc

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73463