Cần hơn 4.500 tỷ đồng để khép kín đường Vành đai 2 của TP HCM
Việc khép kín Vành đai 2 của TP HCM được đánh giá là rất cần thiết nhằm giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc trong tương lai.
Theo đó, đoạn nối đại lộ Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài 2,5km, thuộc Vành đai 2 TP HCM được đề xuất đầu tư với kinh phí hơn 4.500 tỷ đồng là một trong các phân đoạn còn lại chưa đầu tư, đang được UBND TP HCM trình HĐND TP phê duyệt chủ trương tại kỳ họp thứ 13, khóa X. Công trình dự kiến khởi công quý 4/2025, sẽ hoàn thành sau hai năm xây dựng.
Dự án Vành đai 2 đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài 2,8km, tổng vốn 4.543 tỷ đồng. Trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.956 tỷ đồng, còn lại là xây lắp. Công trình do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư.
Trong số 4 đoạn của dự án Vành đai 2 TP HCM, hiện chỉ có đoạn 3 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7km đã được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT, tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Đoạn này bị dừng thi công từ tháng 3/2020 khi mới đạt 44% khối lượng do có vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án. Dự kiến, đoạn này sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025.
Trước đó tại kỳ họp thứ 11, HĐND TP HCM khóa X, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cũng đã trình HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vành đai 2, đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp với 9.328 tỷ đồng bằng ngân sách thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2023-2027.
Theo UBND TP, việc khép kín đường Vành đai 2 đã được Thành ủy, HĐND và UBND chỉ đạo thực hiện. Nhưng sau 10 năm, tuyến đường này mới hoàn thành 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn vẫn đứt mạch. Do đó, TP HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 phải khép kín được đường Vành đai 2 để giảm ùn tắc ở nội thành, tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc.
Ngoài ra, dự án này khi hoàn thành cũng góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ hướng tâm, giữa các địa phương của vùng TP HCM, góp phần mở rộng không gian phát triển mới theo định hướng quy hoạch, thúc đẩy kinh tế.