Cần hợp đồng mẫu để bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm

Khi xảy ra tranh chấp, nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm bị từ chối chi trả bảo hiểm vì một số câu chữ mà khi ký hợp đồng họ không nhận thức hết được. Do đó, cần có một quy định cụ thể về khung hợp đồng khi kinh doanh cho các công ty bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường kiến nghị khi cho ý kiến về Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Báo cáo Dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Bộ Tài chính đánh giá, Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, khi thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.

Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính.

Cùng với đó, một số quy định tại Luật hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro…

Cơ quan nhà nước cần quy định một hợp đồng mẫu để tránh việc tranh chấp giữa bên bán và bên mua bảo hiểm.

Cơ quan nhà nước cần quy định một hợp đồng mẫu để tránh việc tranh chấp giữa bên bán và bên mua bảo hiểm.

Vì vậy, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ giúp hoàn thiện các quy định pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm. Khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm; thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm.

Theo đó, dự thảo Luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới. Ngoài ra, bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.

Về việc quản lý tài chính doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, dự thảo Luật yêu cầu doanh nghiệp phải xác định tỷ lệ an toàn vốn, quản lý vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của doanh nghiệp.

Tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường bổ sung cần phải đưa ra một nhóm ưu tiên xử lý phá sản với doanh nghiệp bảo hiểm; có một khung để cho doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh. Bởi thực tế nhiều khi để cạnh tranh, doanh nghiệp bán ở mức phí quá thấp, sau khi có sự cố thì nhiều khi không có tiền để mà đền. “Phải kiểm soát chỗ này, để hạn chế việc các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh”, ông Cường nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Cường cho rằng quy định của Luật phải bảo đảm chặt chẽ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm. “Hiện nay, trong hợp đồng bảo hiểm, mỗi một đơn vị có một mẫu hợp đồng bảo hiểm riêng, không có chuẩn nào. Khi có sự cố xảy ra liên quan đến đền bù thiệt hại thì nhiều trường hợp bên bán bảo hiểm không muốn đền. Do đó, cơ quan nhà nước cần quy định một hợp đồng mẫu để tránh việc tranh chấp”, ông Cường cho biết.

Cũng nói về những tranh chấp giữa bên bán và bên mua bảo hiểm, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội, cho rằng một phần nguyên nhân xuất phát từ việc trình độ còn hạn chế của những người đi bán bảo hiểm.

“Nhiều trường hợp người đi bán bảo hiểm nói không đúng về quyền lợi trong hợp đồng bảo hiểm, do vậy hợp đồng bảo hiểm không được thực hiện. Do đó, cần phải nêu rõ hơn, kỹ hơn về chất lượng nguồn nhân lực trong việc kinh doanh bảo hiểm”, bà Thanh đề xuất.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//bao-hiem/can-hop-dong-mau-de-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bao-hiem-1081144.html