Cần hướng đi nuôi cá nước lạnh bền vững sau lũ quét ở Sa Pa

Thống kê cho thấy, trận lũ quét đêm 12/9 đã tàn phá gần như toàn bộ trại cá nước lạnh ở xã Liên Minh, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Hơn 60 trại với trên 600 bể cá tầm, cá hồi chịu ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 250 tỷ đồng. Tổn thất nặng nề này đặt ra bài toán cần tìm hướng đi trong nuôi cá nước lạnh bền vững ở Sa Pa nói riêng và Lào Cai nói chung.

Cá hồi, cá tầm chết la liệt sau lũ quét

Cá hồi, cá tầm chết la liệt sau lũ quét

Hai ngày sau trận lũ quét, bà Phàn Mán Pú ở thôn Nậm Cang, xã Liên Minh, thị xã Sa Pa vẫn chưa hoàn hồn cùng niềm tin bị đổ vỡ đối với những con suối thường ngày vốn dĩ hiền hòa. May mắn khi nghe tiếng nước lớn đổ về, hai vợ chồng bà đang xúc cá vội kêu các con cùng chạy thoát thân.

“Chỉ một tí là lũ về cuốn trôi hết. Trại nhà mình ở dưới này, từ trên kia xuống đây cũng toàn trại cá. Không bao giờ bị như thế này, mẹ tôi gần 90 tuổi cũng chưa bao giờ nhìn thấy lũ như thế. Cả đêm cả làng không ai ngủ được, tất cả đều chạy, sợ lắm”, bà Mán Pú nói.

Cách đó không xa, ông Phàn Dào Quẩy cũng tiếc nuối nhìn trại cá nhà mình đầu tư từ gần chục năm nay tan hoang sau lũ.

“Bước đầu mình tự làm xem có làm được hay không. Sau huyện cũng cho phép làm mấy năm nay rồi. Năm nay làng xóm người ta mới phát triển nhiều, từ trước đến giờ chưa năm nào bị như thế này. Kể cả lúc chưa nuôi cá thì dòng suối này cũng chưa bao giờ bị như thế”, ông Quẩy cho hay.

Ông Phàn Dào Quẩy (ngoài cùng bên phải) cho biết, gia đình đầu tư nuôi cá gần chục năm nay

Ông Phàn Dào Quẩy (ngoài cùng bên phải) cho biết, gia đình đầu tư nuôi cá gần chục năm nay

Tính trung bình mỗi trại cá thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng, và mỗi bể nuôi vào khoảng 400 triệu đồng. Không ít hộ dân phải nhờ vào nguồn vay ngân hàng để đầu tư.

Không chỉ thiệt hại về tài sản, lũ quét xuất hiện trên 3 con suối ở xã Liên Minh còn khiến 7 người chết và mất tích, 6 người bị thương; trong đó có nhiều hộ nuôi cá nước lạnh.

Theo ông Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy Sa Pa, lượng mưa quá lớn trong thời gian ngắn cộng với địa hình dốc đặc trưng của vùng cao đã gây ra hậu quả nặng nề. Còn lĩnh vực phòng chống thiên tai, bao gồm công tác cảnh báo, dự báo vẫn luôn được địa phương quan tâm và triển khai có hiệu quả.

“Chúng tôi đã chỉ đạo là ngoài việc đảm bảo an toàn cho lưu lượng của dòng suối phục vụ thủy lợi thì việc đảm bảo an toàn cho các hộ nuôi cá ven theo dòng suối đó cũng phải thường xuyên đặt ra. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn và lượng nước cũng như đất đá đổ về nhanh thì thiệt hại xảy ra là không thể tránh khỏi”, ông Toàn cho biết.

Thống kê từ chính quyền địa phương cũng cho thấy, toàn thị xã Sa Pa hiện có gần 400 trại cá tầm, cá hồi, là trung tâm nuôi cá nước lạnh của Lào Cai.

Ngành sản xuất này mang về cho Sa Pa tổng doanh thu khoảng 120 tỷ đồng/năm.

Một homestay kết hợp nuôi cá nước lạnh tan hoang sau lũ

Một homestay kết hợp nuôi cá nước lạnh tan hoang sau lũ

Mặc dù doanh thu nhìn từ ngoài cao nhưng nuôi cá nước lạnh còn phải đối mặt với nhiều rủi ro như về chất lượng nước, hạn hán, đặc biệt là mưa lũ, vì tất cả nguồn nước đều khai thác từ dòng chảy tự nhiên.

Sau thiên tai xảy ra, tỉnh Lào Cai đang cho rà soát lại số cơ sở nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa và trong toàn tỉnh; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ như khoanh nợ cho các hộ đầu tư nuôi cá bị thiệt hại do lũ quét.

Theo ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, thời gian qua địa phương đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế; đồng thời quản lý chặt chẽ theo quy hoạch. Tuy nhiên, sau trận lũ quét lịch sử này tiếp tục có những bài toán cần giải để thích ứng với biến đổi khí hậu và các dạng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày một thường xuyên hơn.

“Trong thời gian tới, tỉnh cũng sẽ tập trung vào rà soát lại tất cả, làm sao vừa đảm bảo được về phát triển về kinh tế, khai thác lợi thế nhưng cũng vừa phải đảm bảo được sự an toàn, hướng phát triển phải bền vững”, ông Trường cho biết thêm.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/can-huong-di-nuoi-ca-nuoc-lanh-ben-vung-sau-lu-quet-o-sa-pa-post1045965.vov