Cần huy động nguồn tài chính xanh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.
Đây là nhấn mạnh của PGS.TS Nguyễn Đình Thọ tại Tọa đàm Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 27.11.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là một trong những phương thức giúp giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Kinh tế tuần hoàn khuyến khích việc tái chế và tái sử dụng rác thải để biến chúng thành nguồn tài nguyên mới. Chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn là một cách tiếp cận hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đã được Chính phủ của nhiều quốc gia hưởng ứng và triển khai.
Đánh giá về việc phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam hiện nay, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á luật hóa kinh tế tuần hoàn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Xuyên suốt luật được thiết kế theo nguyên tắc sử dụng công cụ thị trường và công cụ kinh tế để thay thế cho công cụ hành chính và hình sự hóa trong quản lý kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho biết, chúng ta đã có rất nhiều quy định từ việc phân loại rác thải tại nguồn, cho đến quy định mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất về thu hồi rác trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng bền vững.
Tại Điều 142, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, chúng ta cũng có những quy định khác về phân loại xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh, cũng như thuế, phí, đất đai để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp tổ chức thực hiện.
Nhấn mạnh việc từ ngày 1.1.2025 tới đây, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhìn nhận, chúng ta đến nay mới thực hiện điều này là muộn, bởi các nước đã thực hiện từ những năm 1970. Thời gian đã đến cận kề, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị, đặc biệt liên quan đến hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển, lưu trữ, tái chế và tái sử dụng chất thải.
“Một trong những giải pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua là đốt rác, thu hồi năng lượng. Tuy nhiên, giải pháp này cũng tồn tại yếu tố độc hại, liên quan đến môi trường. Bên cạnh đó, việc sử dụng giải pháp đốt rác chưa triệt để để thực hiện được theo mô hình kinh tế tuần hoàn”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ đánh giá.
Ông cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục có những bước cải cách về thể chế, quy định pháp lý liên quan đến định mức, cách thức phân loại, cách tổ chức phân loại và thu phí rác thải theo thải lượng ở các địa phương. Đầu tư vào hạ tầng thu gom, phân loại, vận chuyển, lưu trữ và xử lý chất thải.
Bên cạnh đó, huy động nguồn tài chính xanh, tài chính khí hậu để hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải. Đây là lĩnh vực đem lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt trong việc giảm chất thải đối với các lĩnh vực quan trọng như rác thải thực phẩm, rác thải trong xây dựng, rác thải trong giao thông vận tải và rác thải trong dệt may.
“Những lĩnh vực này rất lớn. Đơn cử như ngành dệt may, một năm, thế giới tiêu thụ 100 tỷ sản phẩm dệt may, tạo ra 92 triệu tấn rác thải rắn, sử dụng 93 tỷ mét khối nước và phát thải là 8 - 10%. Nếu xử lý được ở các lĩnh vực liên quan đến lương thực, xây dựng, giao thông vận tải, dệt may, chúng ta sẽ giải quyết được khoảng 70 -75% phát thải toàn cầu”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh, trong thời gian tới, cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh. Đặc biệt, tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn.
“Nếu chúng ta làm tốt việc này sẽ không mất nhiều tiền đầu tư vào xử lý rác thải mà lại thu được bằng tín chỉ carbon. Đây cũng là những định hướng Chính phủ đang tổ chức triển khai thực hiện trong thời gian tới”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nói.