Cần khoảng 610 nghìn tỷ đồng để bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2030
Để bảo đảm an ninh nguồn nước, giai đoạn 2021-2030 chúng ta dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hóa 410. 000 tỷ đồng.
Chiều 16/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Báo cáo tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, có nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó, đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt.
Theo đó, để bảo đảm an ninh nguồn nước, tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2021-2030 dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương và xã hội hóa 410. 000 tỷ đồng.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ cụ thể hóa quan điểm của Đề án; giải quyết được các thách thức, tồn tại, bất cập và vướng mắc trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước của đất nước trước mắt và dài hạn; bảo đảm tính khả thi về nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Riêng về kinh phí, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ tổng hợp đầy đủ kinh phí đã phân bổ ở tất cả các ngành, lĩnh vực và đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 và đối chiếu với Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đầu của Đề án; làm rõ cơ sở pháp lý để xác định tỷ lệ cơ cấu các nguồn vốn trong toàn bộ giai đoạn triển khai Đề án và riêng cho giai đoạn 2021- 2025.
Ngoài ra, Chính phủ cần làm rõ khả năng huy động nguồn vốn ngoài ngân sách bố trí cho Đề án trong giai đoạn 2021- 2025; nhất là nguồn vốn xã hội hóa; nguồn hợp tác công tư; bổ sung thêm nguồn vốn lồng ghép với các chương trình, dự án khác đang triển khai; làm rõ căn cứ phân bổ nguồn vốn cho giai đoạn 2026-2030...
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dẫn chứng thực tế tại Isarel đã biến nước mặn thành nước ngọt để bán cho các quốc gia khác với giá cao, Singapore từ chỗ phải nhập nước từ Malaysia thì giờ đã tự chủ được việc này và còn bán ra nước ngoài. Do đó, Việt Nam có thể đánh giá tiềm năng để học hỏi, tận dụng lợi thế, sản xuất nguồn nước vừa sử dụng trong nước, vừa xuất khẩu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì cho rằng, cần thảo luận thêm về Đề án, trình Bộ Chính trị cho ý kiến kết luận hoặc định hướng lớn để xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, nhất là với những đề án có tầm nhìn đến năm 2045. Quan điểm an ninh nguồn nước gắn với quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước hay còn gọi là kinh tế hóa tài nguyên nước trong dự thảo còn mờ nhạt.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ báo cáo Ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn chỉnh Đề án và báo cáo Bộ Chính trị để xin ý kiến chỉ đạo về các nội dung quan trọng của Đề án.