Cần khơi thông, làm rõ điểm nghẽn để thúc đẩy đầu tư tư vào nền kinh tế
Ông Trịnh Xuân An, đại biểu Quốc hội Đồng Nai cho rằng, những năm tháng còn lại của năm 2024 và 2025 là thời gian hết sức quan trọng, là thời gian về đích của cả nhiệm kỳ. Do đó, rất tán thành với Báo cáo của Chính phủ cũng như những đề xuất của các vị đại biểu Quốc hội để đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, ông An đồng tình với việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB)...
Phát biểu thêm một số ý để làm rõ hơn về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, ông An cho biết, thời gian vừa qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã hết sức nỗ lực và quyết tâm, và đã thể hiện được những kết quả hết sức khích lệ. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng thời gian tới, nếu đi đúng hướng và có giải pháp đồng bộ, toàn diện, chúng ta sẽ đạt được những chỉ tiêu đã đề ra.
Hiện nay, chúng ta đang dành một nguồn lực rất lớn của xã hội, của Nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển xã hội, trong đó có nguồn lực đầu tư công rất lớn. Chúng ta đã dành khoảng hơn 800 nghìn tỷ đồng cho đầu tư giao thông, và sắp tới sẽ dành thêm khoảng 260 tỷ đô la Mỹ cho đường sắt cao tốc, với nguyên tắc đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ tăng vốn đầu tư tư nhân đang có dấu hiệu suy giảm, chỉ đạt khoảng 7%, bằng một nửa so với giai đoạn trước. Điều này đặt ra nghịch lý: vì sao đầu tư công lớn, nhưng đầu tư tư lại giảm đi?. Ông cho rằng cần phải khơi thông, làm rõ điểm nghẽn này để thúc đẩy đầu tư tư vào nền kinh tế, đồng thời lấy hệ thống doanh nghiệp làm trụ cột, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân.
Ông An đồng tình với việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) để bảo đảm chỉ số an toàn và sức mạnh của ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên, việc này đặt ra câu hỏi về cách thức ứng xử đối với hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước trong bối cảnh hiện nay, khi các ngân hàng như VCB, BIDV, VietinBank đang đứng sau một số ngân hàng tư nhân về vốn và chỉ số an toàn. Điều này cho thấy cần có các cơ chế cải thiện hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại nhà nước.