Cần kíp chính sách khuyến khích đầu tư trạm sạc xe điện
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thúc đẩy hạ tầng xe điện, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tế, cần phải sớm có chính sách tổng thể về xe điện.
Còn nhiều khoảng trống về chính sách
Tại Hội thảo tham vấn xây dựng kế hoạch hành động thúc đẩy lộ trình phát triển xe điện tại Việt Nam vừa diễn ra, khi đề cập đến các nhiệm vụ cần phải thực hiện làm cơ sở thúc đẩy phát triển hạ tầng và dịch vụ sạc xe điện, đại diện Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) - bà Lê Nhàn, đã liệt kê hàng loạt đầu mục công việc như: Xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn về an toàn điện, phòng chống cháy nổ trong quá trình xây dựng và vận hành hệ thống trạm sạc; Đánh giá tiềm năng cấp điện cho các trạm sạc xe điện; Phát triển các mục tiêu và kế hoạch cho việc phát triển hạ tầng sạc; Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho các đơn vị đầu tư, phát triển và vận hành cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện; Quy định chính sách thuế, phí đối với việc nhập khẩu trạm sạc và các linh kiện...
Theo bà Lê Nhàn, đến nay hầu hết các đầu mục công việc trên chưa được thực hiện. Việc thiếu khung pháp lý để quản lý việc triển khai hạ tầng trạm sạc khiến cho các nhà đầu tư chưa thực sự hào hứng tham gia. Ngay cả biểu giá điện tại các trạm sạc cũng chưa được ban hành, hiện tại do doanh nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với EVN.
Thực tế đến thời điểm này, hàng loạt hãng xe điện nước ngoài đang rục rịch bán xe tại thị trường Việt Nam trong khi hạ tầng trạm sạc công cộng dành cho các mẫu xe này gần như chưa có. Đa số các hãng xe chỉ xác định sẽ cung cấp bộ sạc tại nhà cho khách hàng của mình. Tuy nhiên theo một số ý kiến "như vậy chiếc xe sẽ chỉ có thể loanh quanh trong phố”?
Trả lời vấn đề này ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh cho rằng, nếu một hãng ô tô điện xác định bán xe ở Việt Nam thì chắc chắn họ sẽ phải có tính toán để khách hàng mua xe có thể sử dụng được phương tiện. Nếu không giải được bài toán đó thì sản phẩm của họ sẽ thiếu sức hút hoặc sẽ chỉ đáp ứng nhu cầu của một nhóm khách hàng đi xe đoạn ngắn. Khi họ chưa có hạ tầng trạm sạc của riêng mình hoặc khi hạ tầng bên thứ 3 đầu tư chưa có thì có thể họ tính đến các giải pháp liên doanh, liên kết để làm trạm sạc.
“Ở các nước, hầu hết trạm sạc được chính phủ hoặc bên thứ 3 đầu tư. Chỉ có Tesla đầu tư mạnh trạm sạc ở Mỹ. Tuy nhiên vừa qua Tổng thống Mỹ đã yêu cầu các hãng xe, trong đó có Tesla phải chia sẻ hạ tầng trạm sạc. Tuy nhiên vấn đề pháp lý cho việc này không hề dễ chút nào. Ở Mỹ họ thực hiện được điều này do chính phủ có cơ chế tài chính để khuyến khích, trợ giá cho xe điện rất lớn, từ đó họ mới lý do để yêu cầu các hãng phải chia sẻ hạ tầng trạm sạc. Tức là ở đây có thỏa thuận giữa chính phủ với nhà đầu tư trạm sạc là các hãng xe. Vì mục tiêu tổng thể là làm sao phủ được nhiều xe điện nhất”.
Tin liên quan
Lo ngại bán xe điện nhưng không có trạm sạc
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo cấp phòng thuộc Bộ Công thương cho rằng, không nên có ý nghĩ bắt buộc nhà sản xuất, nhập khẩu xe điện phải đầu tư trạm sạc mới được bán xe vì như vậy sẽ vi phạm luật thương mại. Các hãng xe không thể biết trước mẫu xe bán ra có đạt được kỳ vọng hay không thì không thể yêu cầu họ đầu tư hạ tầng trạm sạc trước. Để có hệ sinh thái cho xe điện thì quan trọng nhất phải có chiến lược tổng thể đi kèm những chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hạ tầng trạm sạc. “Việc có những hãng xe dự tính bán ô tô điện ở Việt Nam dù chưa có hệ thống trạm sạc của riêng mình thì sẽ gặp khó khăn trong khâu bán hàng. Đấy là vấn đề của các hãng xe đó”.
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ GTVT), để phát triển hạ tầng trạm sạc thì cần có một chính sách tổng thể để tạo ra một hệ sinh thái cho xe điện. Như các chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe điện, có các cơ chế ưu đãi về thuế, phí đối với nhà đầu tư hạ tầng trạm sạc. Như giảm hay miến thuế thuê đất là trạm sạc, giảm thuế nhập khẩu thiết bị trạm sạc. Đến nay các vấn đề nêu trên vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất.
Sắp có chính sách về đầu tư hạ tầng xe điện
Bộ GTVT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông chạy bằng điện. Đây là một trong những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 199/TB- VPCP tại cuộc họp về đề nghị ban hành chính sách ưu đãi giá điện tại các trụ sạc xe điện diễn ra ngày 26/5/2023.
Theo Phó Thủ tướng, để hiện thực hóa các cam kết quốc tế về chuyển đổi năng lượng xanh và các quy định của pháp luật về thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, cần thiết phải có đánh giá tổng thể về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ hiện hành liên quan đến khuyến khích chuyển đổi xanh trong giao thông (chính sách về thuế, phí, chính sách ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, sử dụng các khu vực công cộng…). Trong đó cần đặc biệt lưu ý đối với việc khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện giao thông chạy bằng điện và các loại năng lượng sạch khác.
Tin liên quan
Bán ô tô điện không đầu tư trạm sạc công cộng sẽ chỉ loanh quanh dạo phố
Với những lý do nêu trên, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì cùng với các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, phân tích toàn diện các khía cạnh, đánh giá đầy đủ tác động, làm rõ cơ sở pháp lý, chính trị, bảo đảm mang tính nhất quán trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trên cơ sở đó đề xuất các chính sách hỗ trợ đồng bộ, khả thi có thể triển khai ngay gắn với thời hạn áp dụng cụ thể và phù hợp với các quy định trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã cam kết thực hiện để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chậm nhất trong tháng 7/2023.
Phó Thủ tướng lưu ý, báo cáo cần đó tập trung vào việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể từ vấn đề nhập khẩu, sản xuất ô tô điện, vấn đề hạ tầng chuyển đổi cho đến các chính sách đối với người sử dụng phương tiện… để đề xuất các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người sản xuất, người tiêu dùng (bao gồm tổ chức và cá nhân) trong việc chuyển đổi sang sử dụng ô tô điện và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường trong nước; thúc đẩy xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng cho phương tiện giao thông thiện với môi trường (các trạm sạc, trụ sạc xe điện,…).
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ GTVT ban hành các quy hoạch, tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn để triển khai thực hiện việc đầu tư các hạ tầng công cộng phục vụ xe điện và các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường khác ở các đô thị, đồng thời hướng dẫn các địa phương trong việc quy hoạch các hạ tầng công cộng đảm bảo phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn, hoàn thành trong tháng 7/2023.