Cần làm gì khi trẻ uống sữa nghi nhiễm khuẩn?
Nếu đã từng sử dụng sữa trong lô bị nghi ngờ nhiễm khuẩn, nên theo dõi sát xem bé có những dấu hiệu liệt thần kinh đặc trưng của bệnh mới xuất hiện không…
LTS: Bạn đọc Quỳnh Anh (TP.HCM) gửi email đến tòa soạn cho biết đang nuôi con nhỏ 29 tháng tuổi, bé uống sữa ngoài từ nhỏ. Mới đây chị nghe tin nguyên liệu đạm whey cô đặc trong loại sữa này nhiễm khuẩn clostridium botulinu và phát hiện lon sữa cho con uống nằm trong những lô bị nghi nhiễm khuẩn phải thu hồi.
“Hiện tôi và gia đình rất lo lắng cho sức khỏe của bé. Không biết đã có bao nhiêu lon bị nhiễm khuẩn mà tôi đã cho bé uống trước đây nhưng không kiểm tra kỹ. Hiện bé chưa có dấu hiệu bất thường gì nhưng tôi không biết về lâu dài có nguy hiểm sức khỏe bé? Có cách nào để biết chắc bé nhà tôi không bị gì?” Chúng tôi giới thiệu ý kiến trao đổi của TS-BS. Nguyễn Thị Thu Hậu (Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM).
Clostridium botulinum là vi khuẩn có trong tự nhiên, hàng ngày chúng ta vẫn tiếp xúc với chúng, ví dụ trong rau củ, gia cầm, hải sản, mật ong... Clostridium botulinum chỉ gây bệnh khi sinh ra đủ lượng độc tố, và độc tố đó gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Như vậy, bệnh xảy ra nếu chúng ta ăn phải thức ăn nhiễm nhiều vi khuẩn hay độc tố nhưng không được tiệt trùng ở nhiệt độ và áp suất đủ cao, đồng thời có nước, không acid, không oxy, ở nhiệt độ thích hợp cho vi khuẩn… Đây thường là thực phẩm đóng gói thủ công.
Bệnh cũng có thể xảy ra nếu vi khuẩn có điều kiện tiếp tục sinh trưởng trong cơ thể để sinh đủ lượng độc tố gây bệnh. Với những người khỏe mạnh, khi vi khuẩn qua môi trường acid ở dạ dày (pH 2-4) sẽ chuyển sang dạng bào tử.
Khi vào ruột, nếu hệ khuẩn ruột khỏe mạnh thì vi khuẩn có lợi trong đường ruột sẽ cạnh tranh chỗ bám vào tế bào niêm mạc ruột, do đó clostridium botulinum không có nhiều cơ hội phát triển. Và như vậy, dễ mắc bệnh là người có hệ miễn dịch kém, dùng kháng sinh dài ngày nên hệ khuẩn ruột rối loạn, dùng thuốc giảm tiết acid kéo dài.
Trong sữa đóng gói công nghiệp, trải qua các công đoạn tiệt trùng với nhiệt độ cao (170 độ C), sấy khô và có kiểm soát vệ sinh, vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoặc không phát triển được. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu bị báo cáo nhiễm khuẩn là đạm whey cô đặc, chỉ chiếm lượng nhỏ trong sữa. Ví dụ, các loại sữa cho trẻ 6-12 tháng tuổi có khoảng 0,5-1,2g whey/100ml sữa, và sữa cho trẻ 1-3 tuổi có khoảng 0,5-0,66g whey/100ml sữa. Hiện nay cũng chưa ghi nhận trường hợp nào bị nhiễm clostridium botulinum từ nguồn whey này.
Đối với trẻ nhỏ, chúng ta phải rất thận trọng vì các cơ quan của trẻ còn non yếu. Vì vậy, mặc dù nguy cơ mắc bệnh thấp nhưng chúng ta vẫn không nên dùng sản phẩm đã bị nghi ngờ nhiễm khuẩn cho tới khi có thông báo chính thức từ cơ quan quản lý. Nếu đã từng sử dụng sữa trong lô bị nghi ngờ nhiễm khuẩn, bạn nên theo dõi sát xem bé có những dấu hiệu liệt thần kinh đặc trưng của bệnh mới xuất hiện không, bắt đầu là thần kinh sọ não, thực vật, sau đó đến chi trên, hô hấp rồi đến chi dưới. Đó là nhìn mờ, nhìn đôi, sụp mi, nói khó, nuốt khó, khô miệng, buồn nôn, táo bón, yếu cơ dần từ cổ sau đó đến tay, lan dần xuống chân.
Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 18-36 giờ sau khi uống sữa nhiễm khuẩn, nhưng dao động từ 6 giờ đến 8-10 ngày sau. Theo trung tâm Kiểm soát bệnh tật của Mỹ (CDC), nếu sau 10 ngày mà không có dấu hiệu bệnh thì hiếm có khả năng mắc bệnh.
Nếu bé có biểu hiện mắc bệnh, bạn cho bé đến ngay bệnh viện để được giúp đỡ. Hiện nay ở các bệnh viện, việc xét nghiệm tìm clostridium botulinum còn rất hạn chế, cấy vi khuẩn yếm khí khó mọc và lâu cho kết quả, không làm đại trà. Chẩn đoán chủ yếu dựa trên khai thác bệnh sử, gợi ý đến nhiễm vi khuẩn, khám lâm sàng và loại trừ các nguyên nhân khác. Nguy cơ lớn nhất gây ra tử vong là liệt hô hấp, do đó điều trị chủ yếu là hỗ trợ hô hấp.
Một số thông tin chia sẻ cùng bạn. Mong rằng bạn sẽ an tâm hơn.
TS-BS. Nguyễn Thị Thu Hậu
(Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM)