CẦN LÀM RÕ MỨC ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP VÀO QUỸ DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH VIỆT NAM
Đóng góp ý kiến vào nội dung Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích được quy định tại dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Ban quan soạn thảo dự án Luật làm rõ mức trích nộp, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ để có cơ sở cho việc triển khai trong thực tiễn.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 10 chương, 74 điều. Trong đó, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích được quy định tại Điều 33 của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).
Theo dự án Luật, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam được hình thành từ các nguồn: Đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông; Viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và các nguồn hợp pháp khác.
Cũng theo quy định tại dự thảo Luật, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; cơ chế đóng góp và sử dụng nguồn tài chính của quỹ. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về việc hạch toán, thu nộp các khoản đóng góp cho quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam; Quy chế quản lý tài chính quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam.
Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) là mức trích nộp, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Địa vị pháp lý của Quỹ, thẩm quyền quyết định cơ chế đóng góp tài chính vào Quỹ và sử dụng nguồn tài chính của Quỹ được quy định tại Điều 22 Luật Viễn thông năm 2009. Theo đó, Quỹ là một tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về viễn thông công ích trên phạm vi cả nước.
So với cơ sở pháp lý chung giai đoạn trước thì Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông đã bổ sung quy định cụ thể về mức trích nộp doanh thu tối đa không quá 5% doanh thu dịch vụ viễn thông phải đóng góp vào Quỹ.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ sở pháp lý chung (Luật, Nghị định) cho hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ giai đoạn đến năm 2025 không có gì thay đổi so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, nêu ý kiến về nội dung trên, đại biểu Lê Văn Khảm - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Theo đó, trong dự án Luật cần yêu cầu rõ mức đóng trích nộp, chu trình đóng góp của doanh nghiệp như thế nào. Bên cạnh đó, cần đưa ra lộ trình, sự điều chỉnh mức thu để nộp vào Quỹ qua các năm một cách cụ thể hơn.
Ngoài ra, theo đại biểu Lê Văn Khảm, để đảm bảo tính hiệu quả và đúng đối tượng thụ hưởng, cơ quan soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cần có Báo cáo đánh giá tác động của Quỹ khi thực hiện ở các địa phương như thế nào cũng như có cơ chế quản lý, điều hành Quỹ một cách công khai, minh bạch.
Ủng hộ việc duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tiếp thu tối đa những ý kiến đống góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học đối với hoạt động của Quỹ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, hiện nay, Ủy ban đang cùng với các cơ quan, Bộ ngành liên quan tiến hành rà soát các loại quỹ ngoài ngân sách Nhà nước được triển khai trong thời gian qua như thế nào.
Để tiếp tục duy trì Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam hoạt động đúng mục đích, đối tượng, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, đưa ra quy định cụ thể hơn về mức đóng góp tối đa của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ. Việc trích nộp doanh thu tối đa không quá 5% doanh thu dịch vụ viên thông hay là mức đóng bao nhiêu, theo hình thức nào cũng cần tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị hữu quan, đặc biệt là về phía doanh nghiệp.
Ngoài ra, để có căn cứ trong việc sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, cơ quan soạn thảo dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng cần nêu rõ hơn về chính sách phổ cập dịch vụ viễn thông; mục tiêu và nhiệm vụ phổ cập như thế nào./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78014