Cần làm rõ trường hợp nào cảnh sát cơ động được phép 'huy động người, phương tiện'
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải quy định cụ thể trường hợp nào cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị để tránh sự lạm dụng không cần thiết, vì đây là nội dung liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản.
Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đề xuất cho phép cảnh sát cơ động huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam trong trường hợp cấp bách (Điều 10). Tuy nhiên, việc này không áp dụng với các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (Điều 17).
Thế nào là “trường hợp cấp bách”?
Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến mới đây về dự án Luật, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) và đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nội hàm, ngữ nghĩa của từ “cấp bách”, “trường hợp nào được xem là cấp bách?”.
“Việc này có thể là cấp bách với tỉnh này nhưng với tỉnh khác thì không phải cấp bách. Cần quy định cụ thể để để tránh tình trạng tùy tiện và bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện trên toàn quốc”, đại biểu Tâm nói.
Theo đại biểu Nga, những quyền hạn của cảnh sát cơ động hay việc huy động người và phương tiện của cảnh sát cơ động là hết sức đặc thù, có những trường hợp liên quan đến quyền con người và đến quyền tài sản nên phải quy định rõ khái niệm “cấp bách” để tránh sự lạm dụng không cần thiết.
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) và đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) tán thành thẩm quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cảnh sát cơ động trong trường hợp cấp bách, song cho rằng cần làm rõ phương thức, cách thức mà cảnh sát cơ động thực hiện, các quy định khác có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng quy định này của cảnh sát cơ động cũng như đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được đề nghị hỗ trợ cảnh sát cơ động.
Có chung quan điểm, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nhấn mạnh: “Việc quy định quyền hạn của cảnh sát cơ động sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng này thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, giữ vững ổn định chính trị, chống các thế lực thù địch phá hoại, chống mọi xâm phạm quốc gia, dân tộc, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm tội, tạo môi trường an toàn cho các nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc huy động được thực hiện đúng lúc, đúng đối tượng, tránh lạm quyền hoặc vi phạm trong quá trình huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, đại biểu Ngọc đề nghị dự thảo Luật bổ sung quy định người có thẩm quyền huy động tại khoản 3 Điều 17 phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình, giao Bộ trưởng Công an quy định chi tiết nội dung này đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.
Làm rõ mức độ, phạm vi huy động
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng), việc dự thảo luật quy định chung chung là “cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức” chưa bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ, chưa thống nhất với các luật khác. Đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ, xác định rõ phạm vi huy động của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động với các lực lượng khác cũng có thẩm quyền này để tránh chồng chéo, trùng lắp.
Trong khi đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) góp ý rằng, “việc huy động người phải trên cơ sở tự nguyện để đảm bảo quyền con người và quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Các nhiệm vụ của cảnh sát cơ động có tính chất đặc thù, do đó, nếu người được huy động không đảm bảo được các yêu cầu của nhiệm vụ sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân người đó, đồng thời ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ đề ra”.
Đại biểu Mai cho hay việc huy động phương tiện, thiết bị có tính chất tương tự như việc trưng dụng tài sản. Theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, “chỉ Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương và chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định trưng mua tài sản và không được phân cấp thẩm quyền quyết định trưng mua tài sản”, quy định tại Điều 24. Tuy nhiên, dự thảo luật lại cho phép cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động được huy động người, phương tiện, thiết bị của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai, đại biểu Dương Văn Thăng (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định chi tiết những người nào, phương tiện, trang bị cụ thể nào, của ai, lực lượng nào cảnh sát cơ động được phép huy động. Ngoài ra, có quy định loại trừ việc huy động người, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, nhất là địa bàn trên biển, trên không, khu vực biên giới nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng có liên quan.
Đại biểu Trần Đình Văn (Lâm Đồng) cũng tán thành bổ sung nguyên tắc huy động tài sản, những loại tài sản nào cảnh sát cơ động được phép huy động và huy động ở mức độ nào. Trong trường hợp nếu tình hình chưa đến mức cấp bách mà cán bộ, chiến sĩ cảnh sát cơ động huy động tài sản của người dân và gây thiệt hại thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào để tránh tình trạng lợi dụng việc thi hành công vụ và gây tổn hại đến tài sản của người dân.