Cần làm tốt hơn việc chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ

Đây là chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản tại Hội nghị 'Sơ kết Công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019' do UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng nay (6/7), tại Hà Nội.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 454 chợ, trong đó có 15 chợ hạng 1, 56 chợ hạng 2 và 352 chợ hạng 3. Đến nay, tính chung trên địa bàn thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác 167/454 chợ (đạt 36,8%), còn 33/454 chợ chưa phân hạng, đã có 364/421 chợ phê duyệt phương án giá dịch vụ chợ (đạt 86,46%)...

Về công tác bảo đảm phòng cháy chữa cháy trong chợ, 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã kiểm tra 1121 lượt cơ sở, phát hiện 2176 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, xử phạt vi phạm hành chính về phòng cháy chữa cháy 18 lượt cơ sở,…

Về công tác đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống chợ, hiện, Sở Công Thương đã phối hợp với các Sở, ngành và UBND các quận huyện rà soát 18 chợ có đủ điều kiện trình Thành phố Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn thành phố năm 2019 đợt 1.

Cần làm tốt hơn công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ

Cần làm tốt hơn công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển và quản lý chợ vẫn còn những bất cập cần khắc phục. Trong đó, hầu hết các chợ trên địa bàn, nhất là khu vực ngoại thành đang bị xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... Công tác quản lý và phát triển chợ, triển khai quy hoạch tại các quận, huyện còn chậm, chưa đồng bộ. Mặc dù, đã phê duyệt được 100% Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ song một số địa phương chưa tích cực giải quyết các khó khăn vướng mắc dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài làm mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến thu ngân sách của thành phố.

Tại Hội nghị, các Sở ngành và UBND các huyện đều đưa ra nhận định, nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ bằng nguồn vốn ngân sách còn vướng mắc về cơ chế chính sách, trong khi đó, mặc dù Thành phố đã tích cực kêu gọi xã hội hóa nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, cải tạo chợ làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, kinh doanh khai thác chợ…Trong quá trình kinh doanh, khai thác chợ với mục tiêu bảo đảm dân sinh, các đơn vị gặp khó khăn trong việc tăng giá sử dụng diện tích bán hàng để bảo đảm các chi phí, đặc biệt là tiền thuê đất, dẫn đến phải bù lỗ và nợ tiền thuê đất….

Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, khai thác chợ, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - đề nghị: Bộ Tài chính có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ… đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ bảo đảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hợp tác xã; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu tiền thuê điểm kinh doanh tại chợ tương đương với mức áp thu áp dụng khi chợ đang do nhà nước bảo đảm an sinh, xã hội ổn định.

Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương có quy định rõ hơn liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh đối với từng trường hợp được giao hoặc cho thuê điểm kinh doanh, cũng như cách thức xử lý đối với các trường hợp hộ kinh doanh đã ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và đóng trước tiền thuê điểm kinh doanh để xây dựng chợ… Bên cạnh đó, Sở Công Thương đề nghị UBND thành phố sớm phê duyệt Danh mục các dự án chợ kêu gọi đầu tư và tổ chức mời thầu trên địa bàn thành phố năm 2019 đợt 1;…

Phát biểu Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh: Công tác quản lý chợ trên địa bàn thành phố trong thời gian vừa qua đã được Thành phố hết sức quan tâm; hệ thống pháp luật về chợ tương đối đầy đủ từ công tác quy hoạch và triển khai chỉ đạo theo nghị định của Chính phủ. Đặc biệt từ 2017 đến nay, Thành phố thường xuyên chỉ đạo Sở Công thương, Sở Tài chính… làm việc với các đơn vị để rà soát, đôn đốc trong công tác quản lý, quy hoạch chợ, do đó đã có những chuyển biến về quản lý nhà nước từ phân hạng chợ, sắp xếp khu vực kinh doanh, ngành hàng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, giá dịch vụ…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Toản, công tác quản lý chợ hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, còn những bất cập rất lớn, ảnh hưởng tiềm ẩn đến an ninh trật tự đến các quận, huyện và thành phố. Do đó, Phó Chủ tịch Thành phố đề nghị các sở: Công Thương, Tài chính, Tài nguyên Môi trường cần đôn đốc các quận, huyện chỉ đạo thực hiện tốt mô hình chuyển đổi chợ. Trong việc phân hạng chợ, cần phải khẩn trương triển khai theo các tiêu chí đã được quy định, tránh hiện tượng phân hạng hình thức.

Sở Công Thương hoàn thành việc công khai phương án giá sử dụng diện tích giá bán hàng theo quy định đối với còn 3 chợ hạng 1 gồm chợ Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ Nành (Gia Lâm), chợ Vồi (Thường Tín). Các quận huyện hoàn thành phê duyệt công khai giá sử dụng diện tích bán hàng theo quy định của các chợ hạng 2, 3 còn lại cũng như phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng.

Liên quan đến Đề án Quản lý, đầu tư, cải tạo phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025, ông Nguyễn Doãn Toản cho hay, các quận huyện nếu có ý kiến tham gia thì đề nghị gửi về Sở Công Thương trước ngày 10/7 để Sở Công Thương tổng hợp gửi về UBND Thành phố.

Sở Công Thương cần chủ động phối hợp với Thanh tra thành phố, các địa phương giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về khiếu nại, tố cáo liên quan đến các chợ trên địa bàn, nhất là đối với các chợ Bưởi (quận Tây Hồ), chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn), chợ Kim (huyện Đông Anh), chợ Sáng Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm)… Công an Thành phố và các quận huyện triển khai tốt công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy trong chợ….

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-lam-tot-hon-viec-chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly-kinh-doanh-khai-thac-cho-122050.html