Cần lời giải để thu hút hành khách quay trở lại bến xe?
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho rằng, để giải bài toán để hành khách trở lại bến xe cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chia sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp kinh doanh quản lý bến xe.
Nâng cấp thay đổi diện mạo bến xe để hút khách
Ông Trần Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19, năm 2023, tình hình hoạt động vận tải tại các bến xe trên cả nước nói chung và tại các bến xe của CP Bến xe Hà Nội nói riêng (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm) giảm 300.000 lượt/3 bến, chiếm 28%. Trong đó, tùy theo từng bến, có bến Mỹ Đình giảm trên 30%; Bến xe Giáp Bát giảm 25%, còn Bến Gia Lâm giảm gần 50%.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm, trước dịch Covid-19 ngày thường bến xe đón khoảng 600-700 lượt xe, riêng dịp lễ tết là trên 900 lượt nhưng nay chỉ còn 250-300 lượt xe/ngày. Riêng trong tháng 3-4 này là trên 400 lượt xe/ngày, tỉ lệ giảm gần 50%.
Ông Đỗ Văn Bằng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 bùng phát đem đến nhiều hệ lụy cho cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động vận tải, đây cũng là thời điểm khó khăn nhất của các doanh nghiệp vận tải và doanh nghiệp bến xe khách.
"Dịch Covid-19 chấm dứt, kinh tế xã hội phục hồi, trong đó, lĩnh vực vận tải cũng có sự phát triển, góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế. Chất lượng dịch vụ vận tải cũng được nâng cao, hành khách vào bến đã không phải chờ đợi nhiều để được lên xe, xuất bến.
Để giải bài toán làm sao hành khách trở lại bến xe cần có nhiều giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần chia sẻ gánh nặng với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, doanh nghiệp kinh doanh quản lý bến xe", ông Bằng cho hay.
Cũng theo ông Bằng, hiện nay, các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội đã được nâng cấp rất nhiều về diện mạo, chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, các bến xe và các doanh nghiệp vận tải cần ngồi lại để chia sẻ với nhau sao cho khỏa lấp được cơ chế xin - cho giữa bến xe và doanh nghiệp vận tải, tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp vào bến.
hạ tầng tại các bến xe cũng đổi mới, bến xe Mỹ Đình nay đã có phòng chờ VIP, bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm cũng có nhiều thay đổi để nâng cao chất lượng dịch vụ doanh nghiệp vận tải và hành khách.
Do đó cần phải có giải pháp đảm bảo quyền lợi, hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp và người dân", ông Hùng kiến nghị.
Ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho hay, Sở đã họp với các đơn vị bến xe, doanh nghiệp vận tải để bàn về việc thu hút hành khách trở lại bến, thu hút thêm khách hàng mới. Nhiều đơn vị vận tải hiện nay không quảng bá hình ảnh, thì khách không thể biết tới.
"Để thu hút người dân, cần các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định có những chính sách nâng cao dịch vụ, thu hút hành khách, cho hành khách thấy được sự tiện lợi. Các đơn vị tuyến cố định, bến xe cũng cần tập trung hoạt động của mình, tăng cường quảng bá, ứng dụng công nghệ.
Chúng tôi cũng đang nghiên cứu app cho xe trung chuyển đến các bến xe để thời gian tới có thể thực hiện công tác quản lý, tăng cường hiệu quả hơn", ông Tuyển thông tin thêm.
Vì sao hành khách chê bến?
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam khẳng định hiện tại hệ thống bến xe vẫn đang được khai thác tốt, phục vụ tốt lượng lớn hành khách thông qua các dịch vụ của bến xe. Điển hình tại bến xe Mỹ đình, bến xe Nước Ngầm chúng ta dễ dàng thấy nhiều gương mặt phấn khởi, vui tươi của hành khách khi các bến xe đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên.
"Nói về vận tải, chúng ta mới nhìn một góc bến xe và doanh nghiệp nhưng ở góc độ quản lý nhà nước, chúng tôi nhìn nhận tổ chức vận tải là bài toán tổng thể của phát triển đô thị", bà Hiền khẳng định.
Theo bà Hiền, trước hết là vấn đề quy hoạch. Chẳng hạn ở bến xe Miền Đông (TP HCM), có thể thấy cơ sở vật chất rất hiện đại khang trang nhưng không có khách. Tất cả các nhà xe đều nói chúng tôi sẵn sàng vào nếu có khách. Có thể ở một giai đoạn, phạm vi nào đó, quy hoạch bến xe miền Đông chưa phù hợp.
Thứ hai là tổ chức giao thông đô thị. Việc tổ chức phải hướng tới được các mục tiêu đi lại của hành khách để đảm bảo khi các phương tiện trả khách đến bến xe thì phải phù hợp với mục tiêu đi lại.
Thứ ba là tính kết nối không chỉ bao gồm vị trí bến xe. Thực tế, không thể chỉ đổ tội cho doanh nghiệp hay bến xe, tôi từng chứng kiến người nhà tôi đi được xe trả ở đầu đường cầu vượt. Tuy việc xe trả ở đây bất tiện hơn so với vào bến nhưng dân vẫn muốn đi vì thuận tiện, họ có thể bắt được các xe kết nối.
Thứ tư về tiện nghi, bây giờ có rất nhiều xe trong bến vẫn theo lề lối cũ, cứ xe cũ mới đưa vào tuyến cố định.
"Thực tế, ở một số loại xe giường nằm như xe của doanh nghiệp Văn Minh, có lần người nhà tôi phải nhờ mới mua được vé của xe này. Có thể nói, ở một nhóm khách nhất định nếu đạt được nhu cầu chất lượng, giá cả, tiện nghi và an toàn người ta vẫn chọn vào bến. Cần phải nhìn nhận thẳng thắn chất lượng của các xe tuyến cố định đã đáp ứng được hay chưa?", bà Hiền nói.