Càn Long đã chuẩn bị những món ăn gì trong bữa yến tiệc mời 3.000 bô lão? Tại sao sau khi về họ lần lượt qua đời?

Hoàng đế tổ chức đại yến không phải nhằm mục đích thưởng thức món ngon hay thể nghiệm sự xa hoa, phung phí mà thực chất coi đó là cách để tăng cường sự gắn kết giữa vua tôi, từ đó tăng thêm sự đoàn kết trong nội bộ triều đình.

Nhắc đến yến tiệc lớn và nổi tiếng trong lịch sử thì không thể không nhắc đến bữa yến tiệc do Càn Long tổ chức kỷ niệm cháu trai thứ 5 của ông chào đời. Ông đã mời hơn 3.000 người cao tuổi tham gia vào bữa tiệc này. Theo ghi chép, có hơn 8.000 bàn tiệc được chuẩn bị. Hoàng đế Càn Long đã thể hiện sự sủng ái của vị quân vương thông qua yến tiệc quy mô lớn này.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo tài liệu lưu trữ của Phòng ăn trà Hoàng gia của Bộ Nội vụ, bàn tiệc sẽ được phân chia theo phẩm cấp của người tham dự. Cụ thể, có 4 loại bàn được sắp xếp cho các quan viên có cấp bậc từ cao xuống thấp, bao gồm: Thượng bàn, thượng trung bàn, trung bàn và hạ bàn. Món ăn trên các bàn tiệc này cũng được bố trí với số lượng và thành phần không hề giống nhau.

Theo đó, thượng bàn dành cho các quan viên cao cấp sẽ bao gồm các món như: Trà bánh khai vị, trái cây ngũ vị, 5 món nhắm rượu, phụng kê, bánh hình đĩnh bạc, rượu ngũ vị, rau ngũ sắc, 4 món mặn, 3 món canh, 2 chiếc bánh bao lớn, bên cạnh đó còn có cơm dùng với các loại "tộ nhục" (thịt cúng) làm từ thịt ngựa, dê, bò, lợn... và 5 bình rượu.

Tương tự như vậy, thượng trung bàn dành cho các quan viên sở hữu chức quan tương đối cao sẽ bao gồm các món như: Trà bánh khai vị, ngũ quả, 5 đĩa đồ nhắm, 4 đĩa thức ăn, 3 món canh, 2 chiếc bánh bao, cơm với "tộ nhục" (thịt cúng) làm từ ngựa, dê, bò, lợn... và 5 bình rượu.

Tới "trung bàn" dành cho các quan viên có phẩm cấp ở mức trung bình sẽ gồm có: Trái cây ngũ quả, 4 đĩa đồ nhắm rượu, 4 đĩa thức ăn, 2 món canh, 2 chiếc bánh bao, cơm với "tộ nhục" và 3 bình rượu.

"Hạ bàn" sẽ là bàn dành cho các quan viên chức vụ thấp, ví dụ như những viên tiểu tướng đi theo các vị tướng quân hoặc các giáo úy… Về cơ bản, những người này sẽ được hưởng bàn tiệc gồm các món với số lượng ít nhất và bài trí giản đơn nhất, bao gồm: Rượu, canh, thịt lợn ngâm giấm, hai chiếc bánh bao, cơm với "tộ nhục" và một bình rượu.

Điều gì đã xảy ra trong bữa tiệc? Tại sao hơn 3.000 bô lão lại lần lượt qua đời sau khi ra về?

Một số giả thuyết cho rằng trong bữa tiệc đã có độc. Tuy nhiên, sau này các chuyên gia đã vào cuộc và ''giải oan'' cho Càn Long.

Lý do thứ nhất, các bô lão tham gia yến tiệc đều đã có tuổi, khoảng 60-65 tuổi thậm chí có bô lão đã trên 70 tuổi. Ở độ tuổi này thì sức đề kháng kém hơn nên rất dễ bị ốm và cảm lạnh.

Lý do thứ hai, thời điểm Càn Long tổ chức yến tiệc, thời tiết rất khắc nghiệt, gió thổi rất lạnh. Khi dùng tiệc ngoài trời, dù có mặc y phục dày đến cỡ nào cũng không thể chịu được gió lạnh như dao cắt. Do đó, nhiều bô lão bị ốm vì lạnh.

Lý do thứ 3, thời tiết lạnh nên đồ ăn cũng chủ yếu là món nguội. Người già dạ dày vốn đã không còn khỏe mạnh, ăn uống tiệc tùng linh đình càng khiến cơ quan tiêu hóa suy kiệt, tạo gánh nặng cho cơ thể.

Lý do cuối cùng, để tham gia được bữa yến tiệc, không ít người phải đi một chặng đường rất xa, hàng ngàn dặm đường. Cả đi cả về, cơ thể vốn dĩ yếu ớt của bọn họ nhanh chóng chịu không nổi. Hơn nữa, xe ngựa vẫn là xe ngựa, rất gập ghềnh và khiến người già rất vất vả.

Một số người có sức khỏe tốt và vẫn có thể sống sót, trong khi đó những người tuổi cao sức yếu thì lần lượt qua đời. Vốn mục đích tổ chức yến tiệc để tạo không khí vui vẻ nhưng không ngờ lại xảy ra đại họa, đến Càn Long cũng không thể lường trước.

- Video: Ngắm sự kỳ vĩ và lộng lấy của Tử Cấm Thành từ trên cao. Nguồn: Sky Eye.

Theo CL&XH

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/can-long-da-chuan-bi-nhung-mon-an-gi-trong-bua-yen-tiec-moi-3-000-bo-lao-tai-sao-sau-khi-ve-ho-lan-luot-qua-doi/20231231074545383