Cần lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực để đầu tư phát triển

Thời gian tới, ngành nông nghiệp Hải Dương cần tăng cường phối hợp các ngành liên quan để xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm OCOP.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích phát biêủtại buổi làm việc

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích phát biêủtại buổi làm việc

Chiều 11/9, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh giám sát tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương về kết quả thực hiện Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn tỉnh.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Bích, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 234 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng. Trong đó có 138 sản phẩm OCOP 3 sao, 94 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá 5 sao.

Chương trình OCOP đã mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, còn không ít sản phẩm OCOP chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nguyên nhân do quy mô sản xuất của chủ thể còn nhỏ lẻ, sản phẩm theo mùa vụ nên việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Năng lực và trình độ sản xuất của các chủ thể còn hạn chế, chưa chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để sản xuất an toàn, hiệu quả, bền vững…

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thị Đào báo cáo tại buổi giám sát

Đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Thị Đào báo cáo tại buổi giám sát

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị thời gian tới, ngành nông nghiệp cần chú trọng phát triển các sản phẩm tiềm năng gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP thì nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch chưa được quan tâm, chưa có sản phẩm.

Ngành nông nghiệp cần lựa chọn sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh để đầu tư phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về giá trị sản phẩm. Đặc biệt, cần có bộ máy quản lý vận hành chuyên nghiệp cho sản phẩm OCOP, xây dựng mạng lưới cửa hàng trưng bày sản phẩm ở các địa phương.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, nhất là Liên minh Hợp tác xã tỉnh để nâng cao tỷ lệ chủ thể là hợp tác xã. Phối hợp ngành công thương trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trong nước...

TRẦN HIỀN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/can-lua-chon-san-pham-ocop-chu-luc-de-dau-tu-phat-trien-356352.html