CẦN 'LỰC ĐẨY' ĐỂ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ QUÂN SỰ PHÁT TRIỂN

Những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), sáng kiến cải tiến kỹ thuật (SKCTKT) trong toàn quân và được các cơ quan, đơn vị, tổ chức quần chúng nhiệt tình hưởng ứng, trở thành hoạt động thi đua sôi nổi, với hiệu quả, chất lượng ngày càng nâng cao.

Báo cáo của Hội đồng Giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" trong quân đội lần thứ 19 cho thấy, năm 2018, giải thưởng đã thu hút được 501 công trình của 978 tác giả, đồng tác giả thuộc 38 đơn vị trực thuộc bộ tham gia, tăng 56 công trình so với năm trước đó; chất lượng các công trình ngày càng cao; đối tượng tham dự được mở rộng… Không chỉ phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo" trong quân đội, mà hoạt động nghiên cứu KHCN, SKCTKT trong quân đội cũng tăng hằng năm, cả về số lượng, chất lượng công trình, đề tài, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật... Không chỉ tập trung vào một số lĩnh vực, công việc, phong trào nghiên cứu đã đi sâu, lan tỏa đồng đều ở nhiều lĩnh vực, trong tất cả các mặt công tác tham mưu, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác Đảng, công tác chính trị, hậu cần, kỹ thuật, lao động, sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường. Điều đó khẳng định sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào nghiên cứu KHCN, SKCTKT trong quân đội; góp phần vào sự phát triển KHCN của đất nước.

 Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Phòng không 210) thực hành quan sát, bắt mục tiêu trên không. Ảnh: Qdnd.vn

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn Phòng không 210) thực hành quan sát, bắt mục tiêu trên không. Ảnh: Qdnd.vn

Bên cạnh những kết quả trên, có thể thấy, hoạt động nghiên cứu KHCN, phát huy SKCTKT ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa được quan tâm, coi trọng đúng mức. Vẫn còn biểu hiện đối phó, “làm cho có”, nghiên cứu theo kiểu “ghi tên, báo cáo đầu việc” với cấp trên của một số tập thể, cá nhân. Cá biệt, vẫn còn tình trạng một số sáng kiến là sản phẩm nghiên cứu của một người, nhưng khi làm hồ sơ báo cáo lại có thêm nhiều người “ăn theo”. Thậm chí, còn trường hợp cùng một sáng kiến, nhưng mỗi khi báo cáo lại đứng tên chủ nhiệm đề tài là một người khác nhau. Hoặc ở một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn tình trạng sáng kiến, công trình, đề tài mặc dù đã bỏ bao công sức, trí tuệ, kinh phí ra nghiên cứu, sau khi thẩm định, nghiệm thu xong lại bị “đóng phong bì cất vào tủ”, không được ứng dụng, nhân rộng… Những tồn tại, bất cập kể trên là lực cản làm giảm sự say mê, nhiệt huyết nghiên cứu, cống hiến của không ít cán bộ, nghiên cứu viên, nhân viên; ảnh hưởng đến phong trào nghiên cứu KHCN, phát huy SKCTKT toàn quân.

Có thể khẳng định, nghiên cứu KHCN, phát huy SKCTKT là hoạt động có vai trò, ý nghĩa quan trọng, cần được phát động, quan tâm, hỗ trợ để ngày càng được lan tỏa, phát huy hiệu quả, nhất là trong quá trình hiện đại hóa quân đội. Vì vậy, để phong trào nghiên cứu KHCN, phát huy SKCTKT ngày càng lan tỏa, hiệu quả cao, đòi hỏi cán bộ, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần có sự quan tâm, hỗ trợ, động viên đúng mực. Các sáng kiến, đề tài, công trình sau khi nghiệm thu, đánh giá phải được chỉ huy quan tâm, hỗ trợ ứng dụng trực tiếp vào hoạt động chuyên môn. Ngoài sự quan tâm, chỉ huy phải là người gương mẫu, tích cực tham gia bằng cách trực tiếp nghiên cứu hoặc nêu ý tưởng, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền đầu tư thời gian, công sức cho các công trình, đề tài. Đồng thời, cần phải có các biện pháp động viên, khen thưởng kịp thời, vừa thể hiện sự quan tâm, ghi nhận vừa tạo khí thế, động lực để cán bộ, nhân viên thêm lạc quan, phấn khởi, tiếp tục đầu tư công sức nghiên cứu, sáng tạo, tạo ra nhiều công trình, sản phẩm chất lượng, giá trị cao, góp sức vào công cuộc xây dựng quân đội ngày càng vững mạnh, hiện đại.

VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/can-luc-day-de-khoa-hoc-cong-nghe-quan-su-phat-trien-583077