Cần mạnh dạn giao việc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong nước
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả tại tọa đàm 'Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68', do Tạp chí Đầu tư Tài chính tổ chức ngày 13/5.
Doanh nghiệp vay vốn để đổi mới sản xuất rất khó
TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho rằng: Sau Nghị quyết 68, việc làm sao để kinh tế tư nhân có thể thực sự cất cánh và trở thành động lực phát triển của đất nước, không chỉ là câu hỏi mang tính thực tiễn mà còn là một bài toán lý luận cần lời giải rõ ràng.
Theo ông, khu vực kinh tế tư nhân từ các doanh nghiệp lớn cho đến hộ kinh doanh cá thể muốn vươn lên cần có những động lực thực chất. Đó không chỉ là khẩu hiệu hay tinh thần khuyến khích, mà là những chính sách cụ thể, chạm đến tận gốc các rào cản đang tồn tại.

TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách.
Chẳng hạn, chính sách đất đai, chính sách nông nghiệp, hay quyền tham gia của hộ kinh doanh cá thể vào các cụm công nghiệp nếu vẫn duy trì mô hình cụm công nghiệp kiểu cũ, sẽ rất khó tạo ra đột phá… Bởi lẽ, khoảng cách giữa các doanh nghiệp nhỏ và các "ông lớn" đã chiếm lĩnh những vị trí thuận lợi là quá lớn.
Ông cũng chỉ ra, nguồn vốn là một điểm nghẽn đáng lưu ý. Ông dẫn chứng, hiện có đến 20% tín dụng đổ vào bất động sản, một tỷ lệ tương đương cho tiêu dùng, trong khi gần như toàn bộ tín dụng phục vụ sản xuất lại thuộc về khu vực tư nhân.
Câu hỏi đặt ra là: Nếu tín dụng được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng, thì dòng chảy hiện tại liệu có thực sự hợp lý?
Sở dĩ ông đặt câu hỏi này, bởi thực tế, việc vay vốn của một doanh nhỏ hay cá thể kinh doanh để đổi mới sản xuất rất khó khăn, trong khi, vay mua xe, sau đó lại thế chấp xe rất dễ.
Điều này cho thấy, kết nối giữa tín dụng và nhu cầu thực tế của thị trường là điều còn thiếu và cần được tháo gỡ. Do đó, ông cho rằng cần sớm thiết lập các chuẩn mực và thể chế vững chắc, tạo điều kiện để sản phẩm của doanh nghiệp có thể "lên được kệ", từ đó nối liền chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.
Một thách thức không kém phần quan trọng khác được ông nhấn mạnh là ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) yếu tố có thể ảnh hưởng đến hàng triệu lao động.
Theo ông, AI và công nghệ đang dần trở thành hạt nhân trong các mô hình sản xuất công nghiệp mới. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang có nhiều nghị quyết (như Nghị quyết 57, 66, 68), nhưng việc thiếu tích hợp và thống nhất giữa các chính sách đang khiến bài toán năng suất và đổi mới công nghệ khó có lời giải.
"Trong hệ sinh thái tương lai, AI sẽ giữ vai trò trung tâm. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần một chiến lược tổng thể, đồng bộ, chứ không thể tiếp tục đi theo kiểu phân mảnh như hiện nay", ông Việt gợi mở.
Cần mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp trong nước
Cũng góp ý thực hiện Nghị quyết 68, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhấn mạnh, văn kiện mang tính đột phá, lần đầu tiên có một nghị quyết không chỉ đưa ra chiến lược tổng thể mà còn đi sâu vào các vấn đề tồn tại trong suốt 40 năm đổi mới.
Ông cho rằng, chúng ta có nhiều thành tựu nhưng cũng còn đó những tồn tại lớn. Nghị quyết 68 đã ghi nhận, xác định rõ và tìm cách tháo gỡ là điều rất đáng mừng. Đây là cơ hội để khu vực kinh tế tư nhân được nhìn nhận đúng vai trò, được tạo điều kiện để phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả.
Dẫn câu chuyện về doanh nghiệp mình, 40 năm phát triển - một trong những đơn vị tiên phong trong mô hình hợp tác công tư (PPP), ông Hùng cho biết thành công lớn nhất đến từ khả năng kết hợp công nghệ và cách tiếp cận dự án hiện đại.
"Nếu chỉ là một nhà đầu tư đơn thuần, chúng tôi đã không thể làm được các dự án quy mô như hầm Hải Vân 1, hầm Đèo Cả... Việc tiếp cận và làm chủ công nghệ của Nhật Bản giúp chúng tôi tiết kiệm tới 4.000 tỷ đồng. Điều đó mở ra cơ hội nội địa hóa công nghệ, tiến tới tự chủ trong các lĩnh vực như đào hầm hay đường sắt tốc độ cao", ông Hùng dẫn chứng và đề nghị, phải mạnh dạn giao việc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân trong nước. Không nên để các tập đoàn lớn chi phối hết cơ hội, bởi nếu các doanh nghiệp nhỏ, nhất là ở địa phương, không được trao cơ hội, thì sau này đất nước sẽ thiếu vắng lực lượng thực thi dự án quan trọng.
Từ thực tiễn doanh nghiệp mình, lãnh đạo Đèo Cả cho rằng, để phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân theo Nghị quyết 68 thì cần chú trọng tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. "Không chỉ lo cho cổ đông hay người lao động, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước. Tư nhân muốn được nhìn nhận là một thành phần kinh tế chủ lực thì phải thể hiện được văn hóa trách nhiệm".
Bên cạnh đó, cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; theo ông, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tạo ra đột phá, bứt khỏi "vùng an toàn". Nếu thiếu tinh thần này, nền kinh tế sẽ thiếu động lực đổi mới.
Ông Hùng cũng đặt vấn đề về chiến lược phát triển nguồn nhân lực. "Chúng ta nói rất nhiều về hạ tầng, nhưng ai sẽ là người vận hành các công trình ấy? Nếu không có chuẩn bị dài hạn về đào tạo nhân lực cho từng ngành, từng vùng thì rất khó đi đến đích", ông cho rằng, các định hướng phát triển quốc gia phải đi kèm chiến lược nhân lực bài bản, bắt đầu từ bậc đào tạo.
Ngoài ra, ông Hùng kêu gọi tư duy đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh rằng sự khác biệt chỉ đến từ những cách nghĩ táo bạo, có cơ sở, có tầm nhìn, chứ không phải hành động liều lĩnh.
"Chúng ta phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ vượt trội bằng trí tuệ và công nghệ - không đi sau, không làm theo", ông nói.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo cả cũng lưu ý, từ nghị quyết đến hành động là một chặng đường dài, nhưng nếu không bắt tay vào việc thì mọi kế hoạch chỉ nằm trên giấy.
"Đừng để động lực chỉ là lời hô hào. Kinh tế tư nhân cần không gian, cần niềm tin và quan trọng nhất - cần hành động cụ thể để cùng đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới", ông Hùng nhấn mạnh.