Nhiều dự án do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư chậm tiến độ, đội vốn, có tiêu cực

Sáng 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tránh chuyển nhượng dự án lòng vòng, lách luật, tiêu cực

Cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, liên quan Điều 26 về bảo toàn và phát triển vốn, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị điều chỉnh bổ sung một khoản, không áp dụng tiêu chí đánh giá, bảo toàn phát triển vốn đối với phần vốn mà doanh nghiệp Nhà nước đầu tư, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất phục vụ quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ chính trị, xã hội do Đảng, Nhà nước giao.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai thảo luận tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

"Trong một số nhiệm vụ quốc phòng, an ninh rất quan trọng, nếu áp dụng nguyên tắc như trên rất khó", ông An lý giải.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) góp ý vào khoản 4, Điều 21 về chuyển nhượng dự án đầu tư. Đại biểu cho rằng, suốt thời gian qua, có câu chuyện rất nhiều dự án do doanh nghiệp Nhà nước thực hiện nhiệm vụ đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm nhưng bị chậm thời gian, chậm tiến độ, bị đội vốn, có tiêu cực xảy ra cần giải quyết.

“Đối chiếu một loạt quy định tại Luật Đầu tư cho phép thực hiện chuyển nhượng các dự án, nhưng có nhiều trường hợp lách, mua bán chuyển nhượng cổ phần, năng lực nhà đầu tư yếu kém...", đại diểu dẫn chứng.

Đại biểu Đức đề nghị, cần phải có những quy định chặt chẽ hơn trong chuyển nhượng dự án đầu tư, tránh trường hợp khi năng lực doanh nghiệp không thực hiện được, chuyển nhượng dự án lòng vòng, dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công và không thực hiện được các công trình trọng điểm.

"Đề nghị Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này, Cơ quan soạn thảo rà soát, quy định cụ thể để tránh việc lách luật", đại biểu nêu ý kiến.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) thảo luận tại hội trường.

ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) thảo luận tại hội trường.

Còn ĐBQH Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, vốn doanh nghiệp Nhà nước cũng do người dân bỏ ra, do đó, những gì doanh nghiệp Nhà nước làm được nên cho doanh nghiệp tư nhân làm được.

"Có những lĩnh vực doanh nghiệp Nhà nước làm bị lỗ nhưng doanh nghiệp tư nhân làm lại có lãi, đóng góp phân sách cho nhà nước. 47% GDP do doanh nghiệp tư nhân đóng góp, nhiều người nói doanh nghiệp Nhà nước gánh an sinh xã hội, song lũ lụt, thiên tai doanh nghiệp tư nhân đóng góp rất nhiều. Có một số lĩnh vực như ngành than, ngành điện rất lỗ nhưng vẫn độc quyền cho doanh nghiệp Nhà nước", đại biểu so sánh.

Về công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp tại Điều 55 dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho biết, luật hiện hành đã có quy định về công bố thông tin, tuy nhiên trên thực tế, việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ.

"Không ít doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc, không công bố hoặc công bố rất chậm, làm giảm hiệu quả giám sát xã hội đối với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước cung cấp các dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Tôi đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định để đảm bảo việc công bố thông tin, cân nhắc một số cơ chế như nêu tên, xử phạt hành chính...đối với các doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc”, đại biểu Xuân nêu ý kiến.

Cho phép chủ động nguồn vốn, lãi suất cho vay với công ty con

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, dự thảo thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp Nhà nước, phù hợp với Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) phát biểu

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Điều 11, đại biểu đồng tình với chỉ đạo rà soát, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xác định các lĩnh vực mà Nhà nước cần đầu tư để thành lập doanh nghiệp hoặc bổ sung vốn. Tuy nhiên, cần phân định rõ các điều kiện đầu tư vốn để tránh vướng mắc trong thực hiện, như thế nào là ứng dụng công nghệ cao hoặc đầu tư lớn.

Thực tế, doanh nghiệp nhà nước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền để tăng vốn điều lệ thường phải giải trình bổ sung, đảm bảo tuân thủ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11, bao gồm công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh.

Để tránh nhầm lẫn rằng doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng một trong các phạm vi này để tăng vốn, đại biểu đề nghị chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 11 thành hai điểm riêng: Một là, doanh nghiệp phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao; Hai là doanh nghiệp đầu tư lớn, xây dựng công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, nhằm nâng cao tính minh bạch và khả thi.

Về nguyên tắc huy động vốn, cho vay vốn tại khoản 3 Điều 18, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà ủng hộ phương án 1, cho phép doanh nghiệp quyết định cho các công ty con do doanh nghiệp nắm trên 50% vốn điều lệ vay vốn, với giá trị một lần vay không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và tổng giá trị khoản vay, cho vay không vượt quá số vốn góp thực tế.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu thảo luận

Quy định này giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tận dụng năng lực, phát huy tối đa nguồn vốn nhàn rỗi, hỗ trợ công ty con trong sản xuất kinh doanh. Việc tập đoàn, tổng công ty thu xếp vốn cho công ty con còn giúp công ty con tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý hơn so với tự huy động, nhờ hệ số tín dụng tốt của công ty mẹ.

“Tôi đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp chủ động quyết định nguồn vốn và lãi suất cho vay đối với công ty con, đồng thời đảm bảo việc cho vay không bị điều chỉnh bởi pháp luật khác, không yêu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh hay xin giấy phép như tổ chức tín dụng” - đại biểu nói.

Về chuyển nhượng dự án đầu tư, vốn đầu tư tại doanh nghiệp, tại khoản 3 Điều 20 quy định, doanh nghiệp chỉ được chuyển nhượng cổ phần trên sàn chứng khoán qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thông qua đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, hoặc thỏa thuận ngoài sàn. Để kế thừa quy định này và tránh vướng mắc, đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm b khoản 3 Điều 20 cụm từ “hoặc các phương thức khác do Chính phủ quy định”.

Về hoạt động đầu tư ngoài ngành, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần cân nhắc kỹ việc cho phép doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào bất động sản hoặc chứng khoán, đặc biệt với các tập đoàn lớn như Điện lực, Dầu khí. Một số doanh nghiệp đã đầu tư ngoài ngành, gây rủi ro nên cần quy định cụ thể các lĩnh vực được phép đầu tư ngoài ngành, tránh rủi ro và đảm bảo hiệu quả.

“Về phân phối lợi nhuận sau thuế, tôi cho rằng cần ưu tiên trích lập quỹ đầu tư phát triển để tăng vốn điều lệ, thay vì nộp toàn bộ lợi nhuận cho ngân sách nhà nước. Điều này giúp doanh nghiệp có nguồn lực thực hiện các dự án chiến lược, tránh tình trạng nộp ngân sách rồi xin lại vốn. Tôi đề nghị bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để đầu tư phát triển trong các trường hợp đặc thù, như dự án trọng điểm hoặc lĩnh vực tiên phong”, ông Hòa kiến nghị.

Phi Long/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/nhieu-du-an-do-doanh-nghiep-nha-nuoc-dau-tu-cham-tien-do-doi-von-co-tieu-cuc-post1199085.vov