Cần minh bạch từng khoản phí của sản phẩm bảo hiểm
Đó là quan điểm của luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt, Đoàn luật sư TP.HCM sau vụ việc Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam bị Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phạt tiền 130 triệu đồng và chịu xử phạt bổ sung bằng biện pháp đình chỉ triển khai, ký kết hợp đồng bảo hiểm mới trong 2,5 tháng do tài liệu minh họa bán hàng không rõ ràng, chính xác và không tuân thủ quy tắc điều khoản của sản phẩm bảo hiểm.

Tài liệu minh họa bán hàng là một phần của hợp đồng bảo hiểm
Với hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành bảo hiểm, từng giữ vị trí lãnh đạo tại một số công ty bảo hiểm nhân thọ, theo ông, trên thị trường còn tồn tại nhiều bảng minh họa trái quy định như trường hợp trên hay không?
Theo quy tắc điều khoản hợp đồng được Bộ Tài chính phê duyệt và theo quy định pháp luật, tài liệu minh họa bán hàng là một phần của hợp đồng bảo hiểm.
Hiện tại, tôi không chắc còn công ty bảo hiểm nào khác vi phạm về tài liệu minh họa bán hàng như trên hay không, nhưng bản thân có nghiên cứu, tìm hiểu thì nhận thấy một số hiện tượng chưa tuân thủ quy định của cơ quan chức năng trong nội dung một số tài liệu minh họa bán hàng.
Có thể liệt kê một vài trường hợp như có những khái niệm, thuật ngữ phức tạp được sử dụng trong Bảng minh họa bán hàng chưa được định nghĩa, giải thích cụ thể, làm bên mua bảo hiểm không thể hiểu hết và chính đại lý bảo hiểm cũng không thể giải thích chi tiết, trong khi đây là điều phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu.
Hay như đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, theo quy định, các quyền lợi cơ bản được giải thích cho bên mua bảo hiểm tối thiểu phải tách bạch được giữa quyền lợi được bảo đảm (cam kết chắc chắn - PV) và quyền lợi không được bảo đảm.

Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt, Đoàn luật sư TP.HCM
Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, quy định còn gắt gao hơn. Chẳng hạn, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải khẳng định rõ: Giá của các đơn vị quỹ liên kết đơn vị có thể tăng hoặc giảm; giá trị của quỹ liên kết đơn vị có thể thấp hơn số phí bảo hiểm đã đóng và phụ thuộc vào kết quả của các khoản đầu tư được liên kết, trừ trường hợp doanh nghiệp cam kết hoàn trả phí bảo hiểm phân bổ cho đầu tư; kết quả hoạt động của quỹ liên kết đơn vị có thể cho kết quả âm và không được bảo đảm.
Doanh nghiệp bảo hiểm được yêu cầu phải thuyết minh rõ cho bên mua bảo hiểm các quyền lợi có thể được nhận khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi có thể nhận được từ các quỹ liên kết đơn vị, kể cả trong trường hợp thu nhập của quỹ liên kết đơn vị bị âm.
Tuy nhiên, thực tế, trong một số bảng minh họa, có công ty bảo hiểm lại diễn đạt theo cách “nói nhẹ, nói tránh”. Cụ thể, những cụm từ “có thể tăng hoặc giảm”, “thấp hơn số phí bảo hiểm đã đóng”, “không được bảo đảm”… không được sử dụng theo đúng quy định trong các văn bản hướng dẫn luật và giá trị tài khoản đầu tư không bao giờ được thể hiện với kết quả âm trong bảng minh họa.
Chưa kể, đối với bảo hiểm liên kết chung, theo quy định, phí bảo hiểm gồm có 3 loại tách biệt nhau: Phí bảo hiểm sản phẩm chính (phí bảo hiểm tối thiểu), phí bảo hiểm sản phẩm bổ trợ và phí đóng thêm. Trên thực tế, khi thiết kế bảng tài liệu minh họa bán hàng cho sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, đại lý bảo hiểm tùy tiện ghi tăng phí đóng thêm của những năm sau, làm gia tăng quỹ liên kết chung, dẫn đến kết quả là làm gia tăng giá trị tài khoản của hợp đồng.
Hay với tài liệu minh họa của sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, phí bảo hiểm đóng thêm không tách biệt với phí bảo hiểm sản phẩm chính, mà là một phần của sản phẩm chính. Điều này là trái quy định và tạo cơ hội cho đại lý lợi dụng để giảm số tiền bảo hiểm từ năm thứ 2 (cắt phí bảo hiểm sản phẩm chính bỏ sang phí đóng thêm, hoặc giảm hẳn luôn phí sản phẩm chính); hoặc đại lý bảo hiểm tùy tiện ghi tăng phí đóng thêm của những năm sau, từ đó làm gia tăng giá trị tài khoản của hợp đồng.
Tại Việt Nam, sản phẩm bảo hiểm đầu tư từng bán rất chạy. Vậy các khoản phí bên mua bảo hiểm phải chịu khi mua sản phẩm này có được minh họa rõ theo đúng quy định?
Đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, tỷ lệ phí bảo hiểm được phân bổ cho quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi từ quỹ liên kết chung, cũng như các khoản phí bên mua bảo hiểm phải chịu như phí ban đầu, phí bảo hiểm rủi ro, phí quản lý hợp đồng bảo hiểm, phí quản lý quỹ, phí hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, phí khác (nếu có) đều chưa được minh họa rõ theo quy định.
Tương tự với sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị, nhiều loại phí bên mua bảo hiểm phải chịu cũng chưa được minh họa rõ ràng để họ có thể hiểu được. Vì không được thuyết minh rõ nên ít có bên mua bảo hiểm nào hình dung được rằng, trong 3 hay 4 năm đầu tiên của hợp đồng, các loại phí ban đầu mà họ phải chịu có thể lên đến 150% mức phí bảo hiểm của một năm.
Vì sao lại xảy ra các hành vi thiếu rõ ràng như trên và hệ lụy sẽ là gì?
Việc thiếu tuân thủ quy định pháp luật trong tài liệu minh họa bán hàng là nhằm mục đích làm giảm nhẹ rủi ro đầu tư, tức là “làm mờ” đi các khoản phí bên mua bảo hiểm phải chịu trong những năm đầu và “làm tăng” tính hấp dẫn của kết quả đầu tư của những năm về sau, qua đó dễ dàng thúc đẩy việc giao kết hợp đồng. Từ đó, dẫn đến bên mua bảo hiểm có thể ngộ nhận về các quyền lợi tài chính mà họ sẽ nhận được tương lai.
Hệ lụy của hành vi này là sẽ khiến cho nhiều bên mua bảo hiểm bị thiệt hại về tài chính khi bỏ ra số tiền lớn để đầu tư vào bảo hiểm. Thực chất, việc bỏ tiền vào hợp đồng bảo hiểm không thể xem là hình thức tiết kiệm, đầu tư dài hạn lãi suất cao như đại lý bảo hiểm thường quảng bá. Nếu khách hàng không đủ khả năng tài chính để tham gia phí bảo hiểm năm 2, năm 3, hợp đồng sẽ bị mất hiệu lực và tiền phí bảo hiểm đã tham gia cũng như quyền lợi tài chính của bên mua trong hợp đồng bảo hiểm xem như không còn.
Để tự bảo vệ quyền lợi, bên mua bảo hiểm cần phải làm thế nào?
Bên mua bảo hiểm cần tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, yêu cầu được tư vấn rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ, cũng như đề nghị cung cấp bảng minh họa minh bạch, phù hợp. Đồng thời, cũng cần xác định rõ bảo hiểm nhân thọ không phải kênh tiết kiệm, đầu tư để sinh lời cao trong ngắn hạn hay trung hạn, và càng không phải là kênh đầu tư “lướt sóng” mang lại lợi nhuận cao trong vài năm tham gia.
Bảo hiểm nhân thọ là công cụ hiệu quả để bảo vệ an toàn tài chính cho cá nhân và gia đình trước rủi ro trong cuộc sống và vì thế, người tham gia phải bỏ tiền để mua sự bảo vệ rủi ro (ốm đau, tai nạn…).
Theo đó, người tham gia bảo hiểm cần quyết định tham gia ở mức phù hợp với nhu cầu bảo vệ và khả năng tài chính của bản thân và gia đình. Ngoài yếu tố bảo vệ như trên, bên mua bảo hiểm có thể đầu tư tiết kiệm vào hợp đồng bảo hiểm thông qua hình thức phí đóng thêm.
Ông có đề xuất nào liên quan đến mức xử phạt các hành vi vi phạm, trách nhiệm của bên bán?
Ngoài xử phạt bằng tiền tưởng chừng là nhẹ, nhưng việc bổ sung hình phạt đình chỉ hoạt động trong một khoảng thời gian nhất định đối với việc khai thác mới sản phẩm bảo hiểm thuộc diện vi phạm đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp bị xử phạt.
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 174/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, có hiệu lực thi hành từ 15/2/2025 với các mức phạt cao hơn. Tuy vậy, điều quan trọng hơn là các công ty bảo hiểm, đại lý bán hàng cần chủ động minh bạch, tường minh từng khoản phí, từng quyền lợi… của sản phẩm bảo hiểm, qua đó chắp thêm niềm tin với bên mua bảo hiểm.
Ghi nhận từ Sun Life Việt Nam thì được biết, vi phạm dẫn tới việc xử phạt như trên diễn ra từ năm 2015 liên quan đến kênh khách hàng doanh nghiệp. Hiện tại, sản phẩm này đã ngưng khai thác, do đó quyết định xử phạt không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh các sản phẩm hiện hữu.
Sau khi nhận quyết định xử phạt, để khắc phục sai phạm, Sun Life Việt Nam đã xử lý mọi yêu cầu của cơ quan quản lý một cách đầy đủ, kịp thời và theo đúng quy định pháp luật.
Để tăng minh bạch trong quá trình tư vấn, bán hàng và giải quyết quyền lợi bồi thường, Sun Life Việt Nam đã nỗ lực tuân thủ các quy định do Bộ Tài chính ban hành và tiếp tục nâng cao các quy trình nội bộ nhằm tăng chất lượng cho hoạt động tư vấn cũng như dịch vụ dành cho khách hàng.
Theo cơ quan quản lý thị trường, nếu phát hiện các trường hợp tương tự diễn ra tại các công ty bảo hiểm khác thì sẽ thực hiện xử phạt theo quy định, tái diễn sẽ phạt bổ sung và buộc dừng kinh doanh sản phẩm.