Cần mở rộng nhiều dịch vụ thanh toán phí giao thông trên nền tảng ETC

Bộ GTVT cho rằng, cần thiết mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC). Theo đó, chỉ cần duy nhất 1 tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ, như: đỗ xe, kiểm định…

Từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng

Từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng

Trên 1 tỷ lượt xe qua trạm ETC

Theo thống kê mới đây của Bộ GTVT về kết quả triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC), đến 30/6/2024 toàn bộ 163 trạm thu phí trên toàn quốc (trong đó 73 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý; 61 trạm thu phí do địa phương quản lý và 29 trạm thu phí do VEC quản lý) đủ điều kiện triển khai với tổng số 925 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng.

Tổng số phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí đạt 5.677.944 phương tiện, trên 96% tổng số phương tiện, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm tới 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc. Theo thống kê, từ khi triển khai đến nay đã có trên 1 tỷ lượt xe giao dịch thông qua hệ thống thu phí điện tử không dừng.

"Cơ bản tình hình hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí vận hành ổn định; toàn bộ các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ được vận hành thu phí theo phương án chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy và các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí điện tử không dừng toàn bộ", Bộ GTVT đánh giá.

Nhìn lại quá trình triển khai ETC, Bộ GTVT cho biết, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT và các cơ quan, đơn vị có liên quan nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện.

Nhờ chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ có hiệu quả của các bộ, ngành, đến nay, hệ thống ETC trên toàn quốc đã hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào hoạt động đồng bộ, đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu (các trạm thu phí đường bộ trên tuyến quốc lộ đã áp dụng ETC toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/1 chiều xe chạy; tại các tuyến cao tốc tổ chức thu phí không dừng hoàn toàn.

Người tham gia giao thông có thể nạp tiền trực tiếp tại điểm giao dịch, thông qua hệ thống tin nhắn, phần mềm dịch vụ, ví điện tử, kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng của người sử dụng…

Trong quá trình vận hành ETC, các nhà cung cấp dịch vụ không ngừng hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng.

Với kênh nạp tiền thuận tiện, đa dạng và hệ thống điểm dịch vụ chăm sóc khách hàng trải rộng trên toàn quốc, nên đến thời điểm này, dịch vụ thu phí không dừng đã trở thành quen thuộc đối với chủ phương tiện tham gia giao thông, thể hiện ở số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ đạt trên 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước.

Nhân viên VEC điều tiết giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông qua trạm ETC

Nhân viên VEC điều tiết giao thông, hướng dẫn phương tiện lưu thông qua trạm ETC

Cần mở rộng nhiều dịch vụ mới trên nền tảng ETC

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, hệ thống ETC mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống.

Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến đề xuất mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng đã đầu tư như: Thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định…

Bộ GTVT

Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án thu phí điện tử không dừng.

Theo đó, người dân, chủ phương tiện giao thông chỉ cần sử dụng duy nhất 1 tài khoản thu phí để chi trả cho nhiều dịch vụ, qua đó tăng tiện ích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí. Đồng thời góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng đối với hệ thống giao thông tĩnh còn lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tại các nhà ga, bến cảng, sân bay, bãi đỗ xe…

Cùng với đó, việc mở rộng thêm các dịch vụ mới cũng tận dụng nền tảng, hệ thống ETC sẵn có mà không phải đầu tư mới một số hệ thống tương tự, tiết kiệm cho người dân, chi phí xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả của các dự án thu phí điện tử không dừng, cũng như phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.

Các trạm thu phí đường bộ trên tuyến quốc lộ đã áp dụng ETC toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/1 chiều xe chạy

Các trạm thu phí đường bộ trên tuyến quốc lộ đã áp dụng ETC toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/1 chiều xe chạy

Sẽ có Nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông

Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống ETC phù hợp với quy định tại Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể là do hệ thống thu phí điện tử không dừng là lĩnh vực mới, liên quan tới nhiều cơ quan, đơn vị, ngành, lĩnh vực nên trong quá trình triển khai thực hiện, hệ thống thu phí điện tử không dừng (bao gồm cả tài khoản thu phí) chỉ phục vụ việc than toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm thu phí đường bộ, các quy định hiện nay không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác.

Do vậy, để có thể triển khai mở rộng các dịch vụ khác trên nên tảng hệ thống ETC cần điều chỉnh Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.

Cùng với đó, việc thanh toán phí sử dụng đường bộ qua tài khoản thu phí là một loại dịch vụ thanh toán điện tử đặc thù chỉ phục vụ thu phí đường bộ nên không thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp mở rộng dịch vụ thanh toán cần thiết phải có tham gia quản lý của Ngân hàng Nhà nước tương tự như các hình thức thanh toán điện tử khác.

Hệ thống ETC mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa

Hệ thống ETC mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ nên chưa tạo được sự thuận lợi tối đa

Một trong những khó khăn, vướng mắc khác, Bộ GTVT cho biết, tại khoản 8, Điều 3, Luật PPP quy định "Doanh nghiệp dự án PPP là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập có mục đích duy nhất để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP".

Theo quy định này, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí (là doanh nghiệp dự án của các dự án thu phí không dừng) được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; trường hợp muốn mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng cần phải điều chỉnh dự án thu phí điện tử không dừng để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án.

Trước đây Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương triển khai dự án thu phí điện tử không dừng chỉ với mục tiêu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ, chưa bao gồm các dịch vụ khác.

Quyết định số 19/2020 là văn bản quy phạm pháp luật không quy định chi tiết Luật, được ban hành theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 Quy chế làm việc của Chính phủ Ban hành kèm theo Nghị định 138/2016 để triển khai thí điểm cơ chế, chính sách. Nghị định 39/2020 thay thế Nghị định 138/2016 không quy định lại thẩm quyền này cho Thủ tướng Chính phủ, do đó, không thể điều chỉnh Quyết định 19/2020 để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và các vấn đề nêu trên.

Vì vậy, theo Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Chính phủ đã xây dựng nội dung thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trong đó có Điều 43 Thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Trong Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, Điều 43 Thanh toán điện tử giao thông đường bộ quy định như sau:

1. Thanh toán điện tử giao thông đường bộ là việc thanh toán các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ thông qua tài khoản giao thông.

2. Tài khoản giao thông là tài khoản mở cho chủ phương tiện giao thông đường bộ và kết nối với phương tiện thanh toán hợp pháp để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật về ngân hàng.

3. Thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên đường cao tốc phải thực hiện theo hình thức điện tử không dừng.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".

Bộ GTVT cho biết, theo quy định tại Điều 43, Chính phủ sẽ xây dựng và ban hành Nghị định quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Ánh Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/can-mo-rong-nhieu-dich-vu-thanh-toan-phi-giao-thong-tren-nen-tang-etc-18324082115562655.htm