Cần một cam kết hành động rõ ràng trong thực hiện các quyết nghị của Quốc hội

Để Nghị quyết 43/2022/QH15 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, tiếp tục phiên họp sáng nay, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhấn mạnh, cần một cam kết hành động rõ ràng của các cơ quan chức năng trong thực hiện các quyết nghị của Quốc hội; Chính phủ có giải pháp tổng thể hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp cả nước.

Phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công

Trong 2 năm triển khai thực hiện, đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành, góp phần quan trọng thực hiện cơ bản hoàn thành 5 quan điểm, 3 mục tiêu của Nghị quyết số 43/2022/QH15. Theo các ĐBQH, phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, một số chính sách có kết quả thực hiện thấp, số liệu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách cụ thể cho thấy, có 7 chính sách có chỉ tiêu định lượng đề ra theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 triển khai thực hiện không đạt kế hoạch.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Trong đó, theo ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), có một số chính sách được ưu tiên dành nguồn lực lớn nhưng kết quả đạt được rất thấp như: chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua hệ thống ngân hàng thương mại chỉ đạt 3,05% trên tổng quy mô 40.000 tỷ đồng; chính sách đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm chỉ đạt 37%; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt 55,7% kế hoạch.

Quan tâm đến lĩnh vực y tế, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được kỳ vọng bố trí 145 dự án, tổng số vốn đầu tư gần 13,5 nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Tuy nhiên, qua Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, tổng số giải ngân chỉ đạt khoảng 6,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 48%.

Nhiều nguyên nhân đã được Đoàn giám sát chỉ ra, trong đó có nguyên nhân là do các cơ quan chức năng chưa kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, định mức liên quan đến đầu tư công, nhất là tiêu chuẩn định mức đầu tư các dự án về y tế, không có cấu phần xây dựng, liên quan đến các gói đầu tư trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, trung tâm y tế... gây khó khăn cho các địa phương. Nhiều dự án liên quan đến đầu tư trang thiết bị y tế rất chậm, có nơi giải ngân 1% hoặc thậm chí là không thực hiện được.

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cho biết đã nêu kiến nghị về vấn đề trên tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Kỳ họp thứ Sáu, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Chính phủ tổng kết, sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản thi hành, xóa bỏ những thủ tục không cần thiết để thực hiện đầu tư công nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Mặt khác, qua Báo cáo giám sát này và nhiều báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đã chỉ rõ vẫn còn nhiều quyết nghị của Quốc hội, kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội chậm được thực hiện.

Do đó, "rất cần một cam kết hành động rõ ràng của các cơ quan chức năng trong thực hiện các quyết nghị của Quốc hội". Nhấn mạnh như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đồng thời đề nghị, trong các dự thảo Nghị quyết lần này cần có phương án, thời gian cụ thể để giải quyết khó khăn cho từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế; nghiên cứu hoàn thiện chế tài trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đặc biệt quan tâm tháo gỡ điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp

Đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, để Nghị quyết 43/2022/QH15 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo 3 nội dung:

Một là, khẩn trương chỉ đạo, đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại, hạn chế nêu trong Báo cáo của Đoàn giám sát. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc tháo gỡ điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp bởi theo khảo sát, có đến hơn 56% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục tiếp cận các khoản vay theo gói hỗ trợ.

Hai là, ngay sau Kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho 27 địa phương, bộ, ngành với 70 kiến nghị, được tổng hợp tại phụ lục số 5 ban hành kèm theo Báo cáo của Đoàn giám sát.

Ba là, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện để doanh nghiệp biết và tham gia. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại thì chỉ có gần 30% doanh nghiệp biết đến chính sách này và mới chỉ 2% doanh nghiệp đã nhận được khoản vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất này.

ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng quan điểm, ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng đề nghị cần đặc biệt chú trọng phân bổ hợp lý cho công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, phổ biến chính sách của Nhà nước đối với các khoản vay ưu đãi để người dân, doanh nghiệp có thông tin tiếp cận vốn vay; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong kê khai thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng kịp thời, thuận lợi.

Đồng thời, phân bổ ngân sách cần hợp lý hơn, có cơ chế rõ ràng, đồng bộ thể hiện trong các văn bản pháp lý để triển khai việc phân cấp, phân quyền cho địa phương, giúp địa phương được linh hoạt sử dụng kinh phí phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế trên nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có giải pháp tổng thể hơn, toàn diện hơn để hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp cả nước; khẩn trương ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn các luật mới được thông qua trong thời gian sớm nhất như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)... để tạo cơ sở hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-mot-cam-ket-hanh-dong-ro-rang-trong-thuc-hien-cac-quyet-nghi-cua-quoc-hoi-i372824/