Cần một tinh thần Nam Bộ kháng chiến cho hôm nay
Ngày 25/8/1945, cách mạng thành công ở Sài Gòn. Ngày 2/9/1945, Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào. Ngày 23/9/1945, tức chỉ 21 ngày sau ngày Chủ tich Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Nhân dân Nam Bộ đã nhất tề đứng lên chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ và sau đó là cả nước bắt đầu.
1. Thực dân Pháp dưới sự hậu thuẫn của quân Anh đã quay trở lại xâm lược đất nước ta. Hơn sáu nghìn quân Pháp còn lại ở Sài Gòn dưới sự hà hơi, tiếp sức của 10 nghìn quân Anh đã gây hấn ở Sài Gòn. Ngày 23 tháng 9 năm 1945 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ họp khẩn cấp và kêu gọi toàn dân kiên quyết kháng chiến.
Ngay chiều 23/9/1945, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến, cả Sài Gòn đình công, bất hợp tác với Pháp. Các công sở, hãng buôn đóng cửa, chợ không họp, các ụ chiến đấu hình thành khắp nơi trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân Nam Bộ nhất tề đứng dậy, tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn rung động cả nước.
Nhà báo Nguyễn Kỳ Nam, Đổng lý ngự tiền Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim có mặt tại Sài Gòn những ngày ấy đã viết trong hồi ký: “Lửa đỏ rực trời…Không đèn, không nước. Sài Gòn bị bao vây”. Ủy ban Kháng chiến ra lời kêu gọi Nhân dân đứng lên chống quân xâm lược.
Ngày 24/9/1945, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời hiệu triệu Nhân dân cả nước dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến của Nhân dân Nam Bộ. Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và Nhân dân ta; đồng thời chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc. Cả Sài Gòn tản cư dù người Pháp kêu gọi mọi người bình tĩnh và ở lại. Thanh niên khắp nơi ở Nam Bộ nô nức tòng quân, các đoàn quân Nam tiến ùn ùn vào Nam với quyết tâm cùng đồng bào Nam Bộ giữ nền độc lập non trẻ.
2. Ngày 2/9/1945, Nam bộ tổ chức mít tinh chào mừng ngày độc lập. Hơn một triệu đồng bào từ các tỉnh, thành phố đã nô nức tề tựu về Sài Gòn để được chào mừng ngày độc lập và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Những lời tuyên bố lịch sử của Hồ Chí Minh - vì rất nhiều các nguyên nhân khác nhau đã không trực tiếp đến với đồng bào Nam Bộ. Xứ ủy và Ủy ban hành chánh Nam Bộ đã đề nghị nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam Bộ đứng ra phát biểu ý kiến. Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Trần Văn Giàu đã nhanh chóng phác thảo các ý kiến phát biểu chính. Bài phát biểu khẳng định niềm vui, niềm tự hào của người dân Nam Bộ trước sự đổi đời từ một nước thuộc địa thành một nước dân chủ cộng hòa. Bài phát biểu cũng kêu gọi Nhân dân đoàn kết chung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, bày tỏ thái độ thân thiện với quân Đồng minh, sẵn sàng đặt lại quan hệ với nước Pháp trên cơ sở tôn trọng nền độc lập của Việt Nam với lời kêu gọi khi kết thúc: “Quốc dân hãy sẵn sàng chiến đấu!... Đứng lên! Ngày độc lập bắt đầu từ nay! Tiến tới, vì độc lập, vì tự do, tiến tới mãi! Không một thành lũy nào ngăn nổi chí của muôn dân trên đường giải phóng! ". Ông Trần Văn Giàu cũng không quên nhắc nhở đồng bào: “Mừng thắng lợi nhưng đồng bào chớ say sưa vì thắng lợi (…). Việt Nam yêu quý của chúng ta đương gặp một tình cảnh nguy nan. Không khéo lo, nước ta, dân ta có thể bị tròng lại nô lệ”.
Đáp lời Chủ tịch Lâm ủy hành chánh Nam Bộ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thay mặt Lâm ủy hành chánh Nam Bộ long trọng đọc lời tuyên thệ trước đồng bào sẽ cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước. Sẽ cùng đồng bào vượt qua khó khăn nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Thay mặt Nhân dân, lãnh đạo Tổng Công đoàn Nam Bộ Nguyễn Văn Lưu đọc lời thề: “Chúng tôi, toàn thể Nhân dân Việt Nam xin kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu người Pháp đến xâm lược Việt Nam một lần nữa thì chúng tôi cương quyết: Không đi lính cho Pháp; không làm việc cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; không dẫn đường cho Pháp". Hàng trăm nghìn người phía dưới hô to: "Xin thề! Xin thề! Xin thề ".
Đáp lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, tất cả mọi người dân đã đồng lòng nổi dậy, dũng cảm kiên cường đánh trả quân xâm lược. Chỉ bằng những vũ khí thô sơ, nhưng với tinh thần “Độc lập hay là chết”, những người con ưu tú của Nam Bộ đã dám chống chọi lại với kẻ thù hùng mạnh có tàu chiến, máy bay, xe tăng.
3. Ngay trong đêm ngày 22/9, khi Nhân dân và các lực lượng tự vệ ở khắp nơi thuộc Sài Gòn – Gia Định chống trả quyết liệt với quân thù thì sáng ngày 23/9/1945, một hội nghị được triệu tập khẩn cấp ở đường Cây Mai - Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi, TP HCM). Đây là cuộc họp liên tịch giữa Tổng bộ Việt Minh, Xứ ủy, Ủy ban Nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã diễn ra. Trong hội nghị này, có 2 luồng ý kiến khác nhau: Một bên đề nghị phải ra lệnh kiên quyết đánh; một bên nêu quan điểm chưa nên hạ lệnh kháng chiến mà chờ xin ý kiến Trung ương... Ông Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ quyết định “phải đánh trả ngay”. Tuy nhiên, đại diện Trung ương là ông Hoàng Quốc Việt chủ trương: “Tích cực chuẩn bị, chờ lệnh của Trung ương”. Cuộc họp tranh luận từ 6 giờ sáng tới 7 giờ mới có lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát đi. Bốn ngày sau ngày 23/9/1945, từ Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh điện vào miền Nam tán thành chủ trương của ông Trần Văn Giàu trong cuộc họp ở đường Cây Mai.
Như vậy, rõ ràng, trong bối cảnh đặc biệt khẩn trương của tình hình khi ấy, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Trần Văn Giàu đã có những quyết định sáng suốt, chính xác, kịp thời. Kể lại sự kiện trọng đại này, ông Trần Văn Giàu hồi tưởng khi Lời kêu gọi kháng chiến của ông phát đi, ông đã tự nghĩ: “Thế là đời chính trị của Trần Văn Giàu từ nay đã hết”. Tuy nhiên ông Trần Văn Giàu cũng khẳng định ông là “tướng giữ biên cương. Khi kẻ địch xâm phạm vào biên cương thì tướng ở biên cương phải quyết định không chờ lệnh vua. Quyết định nhưng phải báo cáo với vua. Nếu vua đồng ý thì khen. Còn nếu làm trái với lệnh vua thì phải xử trảm. Anh Sáu (tức ông Trần Văn Giàu - NV) không phải là người buông giáo”.
Thành công của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ bắt đầu từ những quyết định “sinh tử” của người chịu trách nhiệm cao nhất, của vị “tướng ngoài biên ải” Trần Văn Giàu. Trong tình hình khó khăn ấy, nhất là sự liên lạc với cơ quan đầu não tối cao của Trung ương ở Hà Nội không thông suốt, bằng khả năng lãnh đạo nhạy bén, linh hoạt, quyết đoán của mình, đặc biệt là trách nhiệm trước lịch sử, Nhân dân và đất nước, người đứng đầu ở Nam Bộ khi ấy đã thể hiện xuất sắc trách nhiệm, vị trí, vai trò của mình.
Hiện nay, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương đề cao việc lựa chọn, trọng dụng những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trước đó, Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” ghi rõ: “Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc”.
Bài học mà Nam Bộ kháng chiến để lại, nhất là vai trò của Bí thư Xứ ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Trần Văn Giàu đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Tinh thần quật khởi, đồng lòng, đoàn kết toàn dân của ngày Nam Bộ kháng chiến rất cần cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.