CẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KHÁM, CHỮA BỆNH VÀ LẤY NGƯỜI BỆNH LÀM TRUNG TÂM

Đóng góp ý kiến về bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, nhiều thành viên Ủy ban TVQH hội cho rằng, dự án Luật cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến về đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm đóng góp ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tạm thời rút dự án luật này khỏi chương trình Kỳ họp thứ chín của Quốc hội khóa XIV để Chính phủ, ngành Y tế tập trung dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan có liên quan.

|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan và đã chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ ba và thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ: Theo Tờ trình, Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội nhận thấy, dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) trước đây đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, sau đó điều chỉnh sang Chương trình năm 2020 để thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, khắc phục những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, ngày 06/3/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 75/TTr-CP về dự án Luật này. Tuy nhiên, qua xem xét ý kiến thẩm tra sơ bộ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận: “Tạm thời rút dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) ra khỏi Chương trình kỳ họp thứ 9 để Chính phủ, ngành Y tế tập trung dành thời gian cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết, đánh giá bổ sung, lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng có liên quan, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm chất lượng, tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung vào Chương trình trình Quốc hội sau khi xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật”.

Do đó, việc Chính phủ tiếp tục đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình năm 2022 là thực hiện đúng kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; bảo đảm kịp thời triển khai nhiệm vụ lập pháp đã được xác định tại Đề án Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp.

Đóng góp ý kiến vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cơ quan soạn thảo luật làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám chữa bệnh theo Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám, chữa bệnh; phạm vi, đối tượng tác động khi điều chỉnh Luật. Về mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật, luật hóa các thể chế phải lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa, đa dạng hóa loại hình dịch vụ để có thể huy động sự tham gia tích cực của các Hội nghề nghiệp, ngành nghề và người bệnh cũng như đảm bảo công bằng trong tiếp cận, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của cả cơ sở y tế công lập và tư nhân; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đồng tình với ý kiến của Ủy ban Xã hội về việc cần đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 để cụ thể hóa các quy định khám chữa bệnh trong dự án Luật. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ban soạn thảo dự án Luật cần làm rõ các quy định về khám chữa bệnh từ xa, mô hình khám chữa bệnh Bác sĩ gia đình...

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm.

Nêu quan điểm về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, để nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng Luật, hạn chế việc điều chỉnh chương trình nhiều lần, Chính phủ cần rà soát kỹ nhiều nội dung trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở đánh giá, tổng kết công tác khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian có dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thống nhất với báo cáo thẩm tra về đề xuất của cơ quan thẩm tra là chưa quyết định bổ sung ngay dự án luật này vào chương trình năm 2022 mà đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án luật đúng quy định, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vào tháng 3/2022, trên cơ sở cơ quan thẩm tra, nếu đủ điều kiện sẽ bổ sung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), đồng thời với việc bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng năm 2022. Việc hoàn thiện hồ sơ phải trên tinh thần khẩn trương, tập trung để bảo đảm được tiến độ nêu trên, theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 vừa được Quốc hội thông qua.

Đóng góp ý kiến về vấn đề nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Khám, chữa bệnh tính đến thời điểm hiện tại. Một số chính sách mới được bổ sung nhưng chưa có đánh giá tác động thì cũng đề nghị có bổ sung đầy đủ như vấn đề thiết bị y tế, tài chính cho cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, cần có sự đánh giá tổng thể về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để kiến nghị bổ sung quy định phù hợp. Việc làm này nhằm đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh và huy động mọi nguồn lực cho công tác khám, chữa bệnh khi có dịch bệnh lớn xảy ra.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đóng góp ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đóng góp ý kiến.

Phát biểu kết luận Phiên họp về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chính phủ và cơ quan thẩm tra đã soạn thảo dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đố với dự án Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về nguyên tắc việc trình Quốc hội dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 3 để cho ý kiến và trình thông qua tại kỳ họp thứ 4 nhằm kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp cũng như yêu cầu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội.

Tuy nhiên, hồ sơ dự án Luật cần tiếp tục được bổ sung, hoàn chỉnh nhiều nội dung như các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát biểu và ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước mắt chưa bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị ngay sau phiên họp, Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu ý kiến của các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội để xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Ủy ban Xã hội chủ trì thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 3/2022.

Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật, đồng thời quyết định việc trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và bổ sung dự án Luật vào Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=60914