Cần ngăn chặn thất thoát, lãng phí tài sản công
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tham ô, lãng phí trong Đảng, Nhà nước; tham ô, lãng phí được xem là 'giặc nội xâm', kẻ thù của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải nghiêm trị các hành vi tham ô, lãng phí theo quy định của pháp luật…
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống lãng phí, trong bài viết "Chống lãng phí" của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận diện thực trạng lãng phí rất bức xúc hiện nay ở nước ta và chỉ ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó có việc: "Cần tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo nhân dân và phát triển đất nước…".
Kì 1: Điểm mặt những khu đất "vàng"… lãng phí
Đi trên những con đường lớn giữa trung tâm đô thị TP Hồ Chí Minh hôm nay chúng ta không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều khu đất "vàng" bị bỏ hoang hoặc sử dụng không đúng mục đích quy hoạch. Nhiều tài sản công bị "biến hóa" cho tư nhân rồi sau đó biến tướng sai mục đích, thất thoát tiền Nhà nước…
Cần sớm giải quyết những hệ lụy từ các đại án
Ngay sau khi ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến sai phạm do quyết định giao khu đất "vàng" có diện tích 4.896m2 tại địa chỉ 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 cho tư nhân, tháng 12/2018, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định thu hồi khu đất trên. Việc thu hồi khu đất trên được thực hiện ngay lập tức, gồm cả phần diện tích hơn 3.456m2 tại số 8 Lê Duẩn và phần mặt bằng ở số 12 liền kề với diện tích hơn 1.431m2 giao cho Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue vào ngày 5/5/2016. Căn cứ để UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi khu đất trên được nêu rõ theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai, khu đất đã được giao, cho thuê không đúng đối tượng và việc này đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.
Trong quyết định thu hồi khu đất này, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất tiếp nhận, quản lý, chuẩn bị đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng được giao cập nhật, điều chỉnh cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi giấy chứng nhận hoặc thông báo giấy chứng nhận đã cấp trước đó cho doanh nghiệp không còn giá trị pháp lý nếu người sử dụng đất không chấp hành việc giao nộp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Sở TN-MT phải phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan tham mưu, trình UBND thành phố phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy vậy, việc tranh chấp tại tòa sau đó kéo dài, nên đến tháng 9/2022, Cục Thi hành án dân sự thành phố mới tổ chức cưỡng chế, bàn giao khu đất cho Sở TN-MT quản lý theo bản án của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh có hiệu lực từ tháng 12/2021. Đến nay, việc đấu giá dự án vẫn chưa được thực hiện, khu đất được rào tôn bao bọc kín và bỏ hoang...
Chỉ cần tính theo bảng giá đất mới nhất do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành vào ngày 21/10/2024, giá đất phi nông nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố có mức cao nhất lên đến 687 triệu đồng/m2, khu đất "vàng" sở hữu vị trí đắc địa với 3 mặt tiền này đang là "núi" tiền bị bỏ lãng phí. Đó là chưa kể tình trạng khai thác không hiệu quả đối với khu đất trên trong 20 năm qua khi được giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà thành phố quản lý. Đơn vị này đem cho 4 doanh nghiệp là Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn; Công ty cổ phần Kim khí thành phố; Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện thành phố và cổ phần Vận tải xăng dầu - Bộ Công Thương thuê làm trụ sở. Trong Kết luận Thanh tra Chính phủ về khu đất này đã nêu rõ: Sau khi không đồng ý với đề nghị của Bộ Công Thương về bán chỉ định khu đất trên, UBND TP Hồ Chí Minh đã chủ trương sử dụng khu đất để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại. Nhưng hơn chục năm qua, công trình này vẫn chỉ nằm trong quy hoạch, bao giá trị, lợi thế của khu đất trên bị lãng phí kéo dài nhiều năm.
Tại khu đất "vàng" được bao bọc bởi 4 mặt tiền các tuyến đường Lê Lợi- Nam Kỳ Khởi Nghĩa- Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực thuộc trung tâm quận 1, ngay từ tháng 2/2004, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận về chủ trương giao cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (Công ty SJC - DNNN) thực hiện dự án đầu tư tòa nhà cao tầng tại khu tứ giác trên. Khi đó, yêu cầu của chính quyền thành phố đặt ra với Công ty SJC là phải cam kết bằng văn bản việc xây dựng Dự án cao ốc SJC với kế hoạch cụ thể, khả thi về tiến độ, thời gian thực hiện. Công ty SJC cần phối hợp với UBND quận 1 lập phương án bồi thường di dời, tái định cư để có mặt bằng triển khai dự án trọn cả khu tứ giác Lê Lợi cũng như phải thuê tư vấn nước ngoài về kiến trúc để dự án cao ốc SJC đạt tầm công trình đẹp, quy mô hiện đại, đại diện cho bộ mặt của khu vực trung tâm.
Từ đề nghị của Công ty SJC và đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, tháng 12/2004 UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý về chủ trương giao Công ty SJC làm chủ đầu tư cao ốc văn phòng- thương mại- căn hộ ngay tại vị trí của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC cũ. Công ty SJC được phép bàn, trao đổi với các đối tác trong và ngoài nước về hợp tác đầu tư xây dựng dự án này nhưng phải báo cáo Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, quyết định. Tháng 3/2005, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có thông báo truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh về chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án cao ốc SJC với diện tích 3.805m2 tại đây. Chức năng của dự án là làm văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và trung tâm thương mại…
Thế nhưng bỗng nhiên vào ngày 12/11/2007, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã có tờ trình và dự thảo giấy chứng nhận đầu tư trình UBND thành phố xem xét, cấp cho Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương - một doanh nghiệp do Công ty SJC và 3 cổ đông khác thành lập mới. Căn cứ vào đề nghị này, UBND thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương làm chủ đầu tư Dự án cao ốc SJC. Trong giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương, UBND thành phố quy định thời gian hoàn thành dự án không quá 4 năm kể từ ngày được cấp.
Sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà dự án không được triển khai hoặc dự án chậm tiến độ quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện, cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của dự án. Chỉ đạo là vậy, nhưng đến nay đã 17 năm, Dự án tháp SJC vẫn chỉ là khu đất trống, được vây kín bằng rào tôn xung quanh.
Trên giấy chứng nhận kinh doanh cấp lần đầu cho Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương thể hiện rằng doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 420 tỷ đồng, gồm 4 thành viên góp vốn. Trong đó Công ty SJC góp 168 tỷ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Hùng Vương góp 126 tỷ đồng, chiếm 30% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Kinh Đô góp 63 tỷ đồng, chiếm 15% vốn điều lệ; Công ty TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á góp 63 tỷ đồng, chiếm 15% vốn điều lệ.
Trước khi thành lập Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương, 4 thành viên sáng lập trên đã thống nhất và ký biên bản ghi nhớ để cam kết các bên đồng ý hợp tác chiến lược, đầu tư xây dựng cao ốc SJC vào ngày 4/7/2007. Nhưng sau đó, nhiều thành viên sáng lập đã tìm cách thoái vốn cho cổ đông khác "nhảy" vào thâu tóm và bỏ hoang…
Đừng để tình trạng "cha chung không ai khóc"
Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết hiện trung tâm đang quản lý 44 địa chỉ nhà đất công thuộc đối tượng theo Nghị định số 167, trong đó 5 địa chỉ cho thuê, còn 39 địa chỉ khác bỏ trống. Có nhiều địa chỉ nhà đất nằm ở vị trí "vàng" như nhà đất số 9A đường Nam Quốc Cang, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1) diện tích 584m2; nhà đất số 26 đường Nguyễn Văn Thủ (phường Đa Kao, quận 1) 351m2; nhà số 22 đường Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, quận 1) 785m²; nhà 570 đường Võ Văn Kiệt, phường Cầu Kho, quận 1; nhà hai mặt tiền tại số 1 đường Hùng Vương và 2A đường Trần Phú (phường 4, quận 5) diện tích đất 515m², có một trệt và 3 lầu đang bỏ trống; khu đất 152 Trần Phú, quận 5; khu 135, Nguyễn Huệ, quận 1…
Quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh có 488 địa chỉ nhà, đất công. Qua thanh tra, phát hiện có 40 đơn vị sự nghiệp công lập và 2 địa chỉ của Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao quận sử dụng nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết nhưng chưa được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt đề án. Tại quận Bình Thạnh, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận Bình Thạnh không có phương án khai thác đối với các nhà, đất được giao quản lý, vào thời điểm thanh tra có 26/27 căn nhà để trống, gây lãng phí lớn, có trường hợp đã hết hạn hợp đồng thuê từ năm 2018 nhưng đến nay chưa thu hồi. Nhà đất tại số 301, đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 13, quận 5) có diện tích gần 1.000m2 do Saigontourist Group quản lý, sử dụng. Đầu năm 2003, Saigontourist Group ký hợp đồng với Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Vạn Phúc để cho thuê toàn bộ nhà hàng Á Đông (khuôn viên 206m2, diện tích sử dụng 3.669m2) đang phục vụ kinh doanh ăn uống tại địa chỉ trên. Thời hạn thuê là 12 năm tính từ ngày ký hợp đồng, đơn giá 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, đến năm 2006, Công ty Vạn Phúc không tiếp tục thuê mà chuyển nhượng quyền thuê cho Công ty cổ phần Quê Hương Liberty.
Đến cuối năm 2012, Saigontourist Group và Công ty Quê Hương Liberty thanh lý hợp đồng, bàn giao hiện trạng và trang thiết bị. Sau đó, Saigontourist Group và Công ty Quê Hương Liberty lại ký hợp đồng hợp tác kinh doanh. Đến năm 2021, khi thời hạn hợp đồng chưa kết thúc nhưng Công ty Quê Hương Liberty bàn giao lại nhà hàng Đông Á cho Saigontourist Group. Từ khi tiếp nhận lại nhà hàng đến nay, nhà đất nói trên hiện đang bỏ trống và Saigontourist Group vẫn chưa xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể khai thác kinh doanh mặt bằng, nhà đất tại đây.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/can-ngan-chan-that-thoat-lang-phi-tai-san-cong-i748944/