Cần nghiên cứu, điều chỉnh thận trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm toán
Chiều 7/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Theo đó, các đại biểu Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và quản lý ngân sách, tài sản công, góp phần phòng ngừa tham nhũng.
Phải có quy định về việc kiểm soát chất lượng của kiểm toán
Dù đã cho ý kiến trong phiên thảo luận tại tổ, song đại biểu Nguyễn Quang Vũ- Quảng Nam tiếp tục nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua có nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng mà nguyên nhân nằm ở khâu giám định tư pháp.
“Khi giám định lĩnh vực tài chính, kinh tế chủ yếu do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thực hiện, nhưng thực tiễn số lượng công việc rất nhiều và phức tạp” – Đại biểu nói và cho rằng, cần bổ sung thêm cơ quan Kiểm toán nhà nước tham gia giám định là cần thiết, thậm chí không chỉ tham gia giám định tư pháp tài chính công, tài sản công mà còn thực hiện giám định về thuế, cũng không chỉ giới hạn ở các vụ án tham nhũng mà cả các vụ án kinh tế nói chung. Hơn nữa, quy định như vậy không mâu thuẫn về thẩm quyền so với hệ thống luật hiện hành.
Tán thành, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn- Lai Châu lưu ý, luật cần quy định các nội dung liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan khác nhau để tránh chồng chéo khi tiến hành thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp.
Về quy định quyền xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật… của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn Lai Châu) cho rằng, cần nghiên cứu về giao thẩm quyền về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán. Đồng thời, cũng phải có quy định về việc kiểm soát chất lượng của kiểm toán để đảm bảo kết quả kiểm toán là khách quan và việc này cần giao cho một cơ quan độc lập thực hiện kiểm soát.
Bày tỏ quan điểm, đại biểu Lê Thanh Vân- Cà Mau: Hệ thống pháp luật về kiểm toán chưa vững chắc, mà gốc rễ vấn đề là Kiểm toán nhà nước do Quốc hội thành lập nhưng lại chịu sự chi phối của Chính phủ. Do đó, cần nghiên cứu, điều chỉnh thận trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của kiểm toán.
Tiếp thu ý kiến, chỉnh lý kịp thời
Từ thực tế nhiều cuộc kiểm toán, dù đã kết thúc song việc công bố kết quả khá chậm trễ, đó là chưa kể kế hoạch kiểm toán hàng năm cũng có những bất cập, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Hòa Bình) đề nghị, luật sửa đổi cần bổ sung một số quy định chi tiết về kế hoạch kiểm toán hàng năm; thời hạn công khai kết quả kiểm toán.
Trong khi đó, với quy định Kiểm kiểm toán tham gia các vụ án tham nhũng, đại biểu Cường phân tích, trên thực tế các vụ án tham nhũng không nhiều và khó chứng minh được yếu tố vụ lợi nên ngoài việc tham gia các vụ án tham nhũng cần quy định kiểm toán có thẩm quyền tham gia vào các vụ án kinh tế.
Không chỉ có vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) dẫn thực tế thực tế, nhiều đơn vị cố tình che đậy, không cung cấp thông tin cho cơ quan kiểm toán về đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền truy cập dữ liệu điện tử liên thông của các tổ chức, đơn vị để có thể thực hiện tốt công tác giám sát, hậu kiểm quá trình sử dụng tài chính công, tài sản công.
Liên quan đến việc công khai báo cáo kiểm toán, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, dù đã được quy định trong dự thảo luật nhưng chưa rõ hình thức, thời gian công khai, do đó, phải quy định cụ thể để các đối tượng biết và tiếp cận. Hơn nữa, khi những đơn vị được kiểm toán mà không đồng tình kết luận và phát hiện vi phạm thì có quyền khiếu nại, khi đó, phải quy định Tổng kiểm toán nhà nước có trách nhiệm thành lập hội đồng để xem xét lại, mở rộng thành viên với không quá 50% người của kiểm toán và trên 50% người bên ngoài để đảm bảo kết quả khách quan.
Trong phiên thảo luận, trước các vấn đề đại biểu nêu, ông Hồ Đức Phớc - Tổng kiểm toán nhà nước - cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh lý để Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước hoàn thiện và khả thi khi được Quốc hội bấm nút thông qua.