Cần nghiên cứu thận trọng, cân nhắc kỹ quy định về 'quyền tư pháp' trong dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng: Nội hàm của 'quyền tư pháp' như thế nào, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong các văn bản luật. Nếu tới đây, quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có nội hàm 'quyền tư pháp' sẽ là một bước tiến.
Vấn đề này cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, phải làm rõ nội hàm gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân; cần lập luận rõ về việc có quy định hay không quy định về “quyền tư pháp” trong dự án Luật để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.
Bước tiến mới, phải hết sức thận trọng, kỹ lưỡng
Theo dự kiến nội dung, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2023), dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến. Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra 3 đợt, trong khoảng thời gian từ ngày 12 - 29/9/2023), dự án Luật cũng được đưa ra thảo luận. Một trong những nội dung mới, quan trọng nhưng còn ý kiến khác nhau được cơ quan soạn thảo trình xin ý kiến, đó là quy định về nội hàm “quyền tư pháp” trong dự án Luật.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, trong lịch sử lập hiến, lần đầu tiên khái niệm quyền tư pháp được thể hiện ở Hiến pháp 1992, sửa đổi năm 2001. Trong đó, lần đầu tiên quy định ở Điều 2, đó là: Quyền lực Nhà nước thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đây là lần đầu tiên khái niệm “quyền tư pháp” được ghi nhận trong Hiến pháp; đến năm 2013 khi ban hành Hiến pháp 2013 cùng với việc bổ sung, hoàn thiện nguyên tắc về tổ chức quyền lực Nhà nước cũng đã bổ sung quy định về chủ thể thực hiện quyền tư pháp là Tòa án nhân dân tối cao, trong đó quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Thanh Tùng, nội hàm của “quyền tư pháp” này như thế nào, đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong các văn bản luật cũng như trong các văn kiện của Đảng và quá trình xây dựng Đề án về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, đây cũng là vấn đề đã được nêu ra và thảo luận trong quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên, cũng còn ý kiến khác nhau, vì vậy Nghị quyết 27 không có quy định cụ thể về nội hàm của quyền tư pháp.
“Nghị quyết 27 chỉ yêu cầu “xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, mà không yêu cầu làm rõ nội hàm quyền tư pháp” - ông Tùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khẳng định, việc làm rõ nội hàm quyền tư pháp cũng như các vấn đề liên quan đến quyền tư pháp là rất cần thiết nhưng đây cũng là vấn đề rất lớn và quan trọng, liên quan không chỉ đến tổ chức, hoạt động của các Tòa án nhân dân mà phải đặt trong tổng thể hoạt động của các cơ quan tư pháp và rộng hơn là các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Hiện nay, trong Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ cũng chưa có quy định cụ thể về nội hàm của quyền lập hiến, quyền lập pháp cũng như nội hàm của quyền hành pháp. Nếu quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nội hàm quyền tư pháp là một bước tiến. Vấn đề này cần phải nghiên cứu hết sức thận trọng, kỹ lưỡng, phải làm rõ nội hàm gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân.
Xét trong bối cảnh hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu và lập luận rõ, đầy đủ lý lẽ, những ưu điểm, hạn chế của từng loại ý kiến: có quy định hay không quy định về “quyền tư pháp” trong dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) để báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6.
Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, quy định về quyền tư pháp như trong dự thảo Luật là quá rộng, bao hàm nhiều khái niệm, như xét xử, phán quyết, giải thích, áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa giải thích các thuật ngữ này, do đó đề nghị nếu quy định trong dự án Luật cần bổ sung giải thích các thuật ngữ. Mặt khác, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị làm rõ áp dụng pháp luật, quyền tư pháp trong dự thảo Luật có thống nhất với thẩm quyền giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hay không?
Quy định rõ loại vụ việc đặc thù và điều kiện sử dụng chế định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt
Một trong những điểm mới nữa của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là bổ sung quy định trong hệ thống tòa án có các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xét xử một số loại án đặc thù. Tuy nhiên, đối với nội dung này, một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo tính khả thi, vẫn cần nghiên cứu làm rõ địa hạt pháp lý, cơ cấu tổ chức của loại hình tòa án này. Bà Vũ Ngọc Anh - Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Tòa án sơ thẩm chuyên biệt là một chế định mới nhưng chỉ quy định trong 2 điều khoản của dự thảo Luật (Điều 62 và Điều 63). Nếu như chế định này được thiết kế nhằm tăng tính chuyên nghiệp của tòa án trong việc giải quyết các loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và phù hợp với thực tiễn thì nên quy định chi tiết trong dự thảo Luật về loại vụ việc đặc thù, điều kiện nào sử dụng chế định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Bà Vũ Ngọc Anh cũng đề nghị đưa vào dự thảo Luật quy định về loại vụ án, điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến; cân nhắc, nghiên cứu thêm về vấn đề sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong xét xử hoặc như trợ lý, thư ký Tòa án.
Trong khi đó, quan tâm tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt tiến tới chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động xét xử của tòa án; việc tổ chức các Tòa án chuyên biệt để thực hiện xét xử đối với một số loại vụ việc phức tạp, đòi hỏi tính chuyên môn cao là yêu cầu cần thiết. Nhất là trong điều kiện hiện nay chúng ta đang chuyên môn hóa, chuyên sâu hóa; khoa học, công nghệ phát triển, có nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn rất sâu của thẩm phán để có thể giải quyết được những vấn đề chuyên môn. Tuy vậy, việc tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt trong lĩnh vực nào, số lượng bao nhiêu, cách thức tổ chức hoạt động như thế nào cần được xem xét, cân nhắc kỹ để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, quá trình thảo luận, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật còn băn khoăn về việc Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao nêu rằng, sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi, thẩm quyền theo loại việc của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Bởi, nếu dự án Luật mà quy định giao Ủy ban Thường vụ sẽ vướng; cần làm rõ sự phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 102 của Hiến pháp: “Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án khác do luật định”. Như vậy, theo Hiến pháp, tổ chức Tòa án sơ thẩm chuyên biệt phải do luật định, nghĩa là Luật Tổ chức Tòa án nhân dân phải quy định loại hình Tòa án chuyên biệt, còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng có bao nhiêu Tòa án, thẩm quyền theo lãnh thổ của từng tòa án.
“Bởi vì quy định vào trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì mới giải quyết được các luật tố tụng có liên quan; nếu chúng ta chỉ quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng Luật Tố tụng không sửa, không quy định thẩm quyền của các Tòa án chuyên biệt, khi triển khai sẽ gặp vướng mắc. Tôi đề nghị làm rõ thêm và chỉ nên quy định theo hướng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về số lượng, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án sơ thẩm chuyên biệt; còn tên gọi và thẩm quyền theo loại việc của các Tòa án này cần được quy định trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và được cụ thể hóa trong các luật tố tụng có liên quan để đảm bảo tính khả thi” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ quan điểm.