Cần nghiên cứu xây dựng luật về đơn vị sự nghiệp công lập

Trước những khó khăn, vướng mắc ghi nhận qua quá trình giám sát, nhiều ý kiến trong Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023' cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng điều chỉnh về đơn vị sự nghiệp công lập.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với các bộ, cơ quan về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: Minh Trang

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì làm việc với các bộ, cơ quan về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Ảnh: Minh Trang

Việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Đoàn giám sát nhận thấy, kết quả sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện tương đối tốt trong giai đoạn 2015 - 2021 với tỷ lệ giảm đạt 13,33%. Về mục tiêu giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong giai đoạn 2015 - 2021 cả nước có mức giảm đạt 11,67%, vượt mục tiêu của Nghị quyết 19-NQ/TW.

Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát, giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện đến nay thì tỷ lệ giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước ở các địa phương mới chỉ đạt 1,42%. Kết quả đạt được của giai đoạn 2015 - 2021 ở các địa phương chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có điều kiện thuận lợi để giảm số biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước như y tế, sự nghiệp kinh tế, còn những lĩnh vực khác gặp nhiều thách thức do việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Trang

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Minh Trang

Do đó, các thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Nội vụ đánh giá về khả năng thực hiện mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 và những thuận lợi, khó khăn, giải pháp để thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra.

Thẳng thắn thừa nhận tỷ lệ 1,42% giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện đến nay là rất thấp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa nhận định, trong thời gian tới, nếu các bộ, ngành, địa phương không quyết tâm cao thì rất khó đạt được mục tiêu Nghị quyết 19-NQ/TW đề ra là tiếp tục giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021, đến năm 2030 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế.

Để đạt được mục tiêu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, cần có sự quyết tâm rất cao từ xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Sau khi có Kết luận số 62-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về chương trình hành động thực hiện Kết luận 62. Trong Nghị quyết đã nêu một số nhiệm vụ trọng tâm như: ban hành ngay danh mục dịch vụ công cơ bản, thiết yếu; ban hành, rà soát bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật; các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng lộ trình tự chủ cụ thể...

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng, liên quan đến quản lý biên chế, Nghị quyết 19/NQ-TW cũng như các yêu cầu hiện nay mới đang tập trung vào giảm số lượng biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cố gắng giảm chi ngân sách. Đối với số người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ thì Nghị quyết 19/NQ-TW cũng đã “giao các đơn vị đã tự chủ bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên được quyết định số lượng người làm việc và tiền lương theo kết quả hoạt động”. Như vậy, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cũng phải có quy định để khống chế số lượng người làm việc trong trường hợp các đơn vị đã tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư.

Không “mặc đồng phục” cho chính sách

Quan tâm về cơ chế, chính sách tăng cường xã hội hóa cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ, báo cáo của các đơn vị về cơ bản chưa có số liệu khu vực ngoài công lập thực hiện các dịch vụ công. Mặc dù chuyên đề giám sát tập trung vào đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vẫn nằm trong mối quan hệ là tăng cường xã hội hóa để giảm ngân sách nhà nước phải cung cấp cho dịch vụ công.

Nêu ví dụ đối với ngành giáo dục có một số vùng có điều kiện tốt, thuận lợi thì tỷ lệ trường ngoài công lập ở một số bậc học tương đối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, khi đánh giá về cơ chế, chính sách này cũng phải xem xét cả ở những nơi có điều kiện khó khăn tổ chức thực hiện như thế nào; không thể “mặc đồng phục” cho chính sách, nhất là vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước vẫn phải bảo đảm trong cung cấp dịch vụ công.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Trước những khó khăn, vướng mắc hiện hữu qua quá trình giám sát, nhiều ý kiến trong Đoàn giám sát cho rằng, đã đến lúc cần có một văn bản luật quy định về đơn vị sự nghiệp công lập. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nêu rõ, việc nghiên cứu xây dựng luật điều chỉnh về đơn vị sự nghiệp công lập góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vì hiện nay, quy định về đơn vị sự nghiệp công lập vẫn rải rác ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau.

Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phân tích, ngay từ năm 2010 khi xây dựng Luật Viên chức, yêu cầu về việc phải có một văn bản quy phạm pháp luật tầm cao quy định về đơn vị sự nghiệp công lập đã được đặt ra. Tuy nhiên, vì chưa thể xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật này nên Điều 9 của Luật Viên chức đã có định nghĩa cũng như những nguyên tắc cơ bản trong việc tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Đây cũng là cơ sở để sau này Chính phủ ban hành các nghị định có liên quan.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Đến thời điểm này, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cần đánh giá, nhìn nhận lại một cách bao quát để xử lý được các vấn đề liên quan; điều quan trọng nhất là phải xác định rõ như thế nào là đơn vị sự nghiệp công lập. Kỳ vọng qua chuyên đề giám sát lần này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa ra được một định nghĩa có tính chất bao quát, toàn diện nhất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, phải định nghĩa được cụ thể, rõ ràng, chính xác thì mới xác định được những đơn vị nào cần được giữ lại, đơn vị nào không phù hợp và tiến hành giải thể. Quá trình giám sát tại các địa phương cũng cho thấy có những đơn vị gọi là đơn vị sự nghiệp công lập nhưng lại thực hiện chức năng về quản lý nhà nước.

"Trong chuyên đề giám sát phải cố gắng giải quyết vấn đề này thì mới có cơ sở sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện có liên quan đến tổ chức, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập cũng như xây dựng nền tảng cho việc xây dựng luật về đơn vị sự nghiệp công lập sau này”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/can-nghien-cuu-xay-dung-luat-ve-don-vi-su-nghiep-cong-lap-i375325/