Cần nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn

Khu vực phía Tây TP.Biên Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển trở thành khu vực đô thị sầm uất với vai trò là khu vực đô thị cửa ngõ tiếp giáp với các đô thị lớn của khu vực phía Nam đất nước.

Khu vực chợ Bửu Hòa (chợ Đồn), P.Bửu Hòa là nơi có lịch sử phát triển đô thị lâu đời. Ảnh: Phạm Tùng

Khu vực chợ Bửu Hòa (chợ Đồn), P.Bửu Hòa là nơi có lịch sử phát triển đô thị lâu đời. Ảnh: Phạm Tùng

Tuy nhiên, thời gian qua, sự đầu tư để tạo động lực cho khu vực này phát triển lại chưa thực sự tương xứng với tiềm năng sẵn có.

* “Vùng trũng” đầu tư

Cũng có vị trí nằm dọc sông Đồng Nai, tuy nhiên, một điều có thể nhận thấy là thời gian qua, khu vực phía Tây TP.Biên Hòa lại không có được sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng và các công trình tạo điểm nhấn đô thị như khu vực trung tâm nằm ở phía bên này sông.

Trên thực tế, hầu hết các dự án hạ tầng lớn bao gồm cả giao thông và xây dựng nhằm tạo cảnh quan đô thị đều được “dồn” cho khu vực trung tâm của TP.Biên Hòa.

Theo KTS Nguyễn Văn Tất, nói về sự đầu tư để phát triển, thời gian qua ghi nhận sự “lệch pha” giữa khu vực hai bên bờ sông Đồng Nai. Nếu khu vực trung tâm được ưu ái thì khu vực phía Tây thành phố lại thiếu sự đầu tư xứng tầm. “Thực sự khu vực phía Tây với các phường Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa và Tân Vạn chưa có một công trình nào xứng tầm để tạo ra điểm nhấn và tạo lực để phát triển đô thị” - KTS Nguyễn Văn Tất chia sẻ.

Lịch sử phát triển các đô thị ven sông trước đây cho thấy, thường có sự “mất cân đối” giữa hai bên bờ sông. Theo đó, sự phát triển thường chỉ diễn ra ở một bên bờ sông, phía còn lại thường có nhịp phát triển chậm hơn.

Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải là do trước đây do điều kiện kinh tế, kỹ thuật, việc xây dựng các công trình cầu kết nối hai bờ sông rất khó khăn. Do đó, phía bờ nào có được lợi thế về kết nối giao thông thường có sự bứt phá mạnh mẽ hơn trong phát triển đô thị.

Tuy nhiên, hiện nay, khi việc xây dựng cầu đã không còn quá khó khăn, xu hướng này đã không còn tồn tại. Thay vào đó, các đô thị ven sông có sự phát triển hài hòa và đồng đều hơn.

Đơn cử như đối với TP.Biên Hòa, hiện nay việc kết nối giao thông giữa hai bờ sông Đồng Nai cũng đã hết sức thuận lợi với các cây cầu lớn như: Hóa An, Bửu Hòa và cầu Đồng Nai.

Do đó, theo KTS Nguyễn Văn Tất, để cho khu vực phía Tây của TP.Biên Hòa có được sự bứt phá để phát triển, vấn đề hiện nay là khu vực này cần có được sự đầu tư hợp lý về mặt hạ tầng. “Thực tế khu vực này chỉ cần có sự đầu tư hợp lý, không quá lớn cũng đã có thể phát triển bởi những tiềm năng sẵn có”- KTS Nguyễn Văn Tất nhấn mạnh.

* Quy hoạch theo xu hướng phát triển

Lợi thế lớn nhất của khu vực đô thị phía Tây TP.Biên Hòa chính là tiếp giáp với một loạt đô thị lớn của khu vực phía Nam.

Thực trạng phát triển của chuỗi đô thị lớn này cho thấy, khu vực phía Tây TP.Biên Hòa hiện đang “xuất phát” sau so với các đô thị trong chuỗi. Từ thực tế này, KTS Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, trong quy hoạch phát triển sắp tới, nhất là quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, khu vực này cần có sự định hướng “nương” theo các đô thị phát triển để tạo ra sự kết nối đồng bộ. “Như quy hoạch phát triển giao thông chẳng hạn, rõ ràng phải tính toán để tạo ra sự kết nối với tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn là trục giao thông lớn và đã được đầu tư đồng bộ” - KTS Lý Thành Phương chia sẻ.

Sự phát triển đô thị thường có sự lan tỏa, một đô thị lớn phát triển thường sẽ tạo ra động lực phát triển cho các khu vực đô thị lân cận. Trong đó, đô thị lớn, phát triển sớm thường có được lợi thế về sự hoàn chỉnh của hệ thống hạ tầng. Khi đó, các đô thị “đi sau”, phát triển chậm hơn cũng được hưởng lợi từ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng của các đô thị lớn. Cụ thể hơn, các đô thị phát triển sau sẽ dễ dàng hơn trong quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng khi đã có sẵn “khung” hạ tầng của đô thị lớn để tính toán tạo ra sự kết nối đồng bộ.

Do đó, để có thể tận dụng tốt nhất lợi thế tiếp giáp với hàng loạt đô thị phát triển sớm trong vùng, việc quy hoạch phát triển đô thị khu vực phía Tây TP.Biên Hòa cần được tính toán kỹ đến yếu tố kết nối, tạo sự đồng bộ để hưởng lợi từ sự phát triển về hạ tầng của các đô thị này. Khi tạo ra được sự kết nối đồng bộ, cộng với đó là “dư địa” phát triển lớn từ những tiềm năng sẵn có, khu vực phía Tây TP.Biên Hòa sẽ tạo ra bước đột phá, giúp tăng nhanh tốc độ phát triển đô thị.

KTS Nguyễn Văn Tất cho rằng, khu vực phía Tây TP.Biên Hòa, nhất là 2 phường Bửu Hòa và Tân Vạn có lịch sử phát triển đô thị lâu đời. Do đó, trong các phương án phát triển đô thị cho khu vực này cần tính toán đến việc phát triển các giá trị văn hóa lịch sử gắn liền với dòng sông Đồng Nai. Đặc biệt, cần có sự đầu tư xứng đáng để phát triển khu vực chợ Đồn, P.Bửu Hòa xứng tầm với vị trí là nơi “khởi đầu” cho sự hình thành đô thị tại khu vực này.

Quỳnh Nhi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202003/can-nguon-luc-dau-tu-manh-me-hon-2994061/