Cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị

Theo ý kiến cử tri, TP Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND ở cả cấp phường và quận), quy định trong Luật Thủ đô với tính chất là một văn bản có giá trị lâu dài, ổn định.

Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng

Ngày 4/10, tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) ở Hòa Lạc, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc với cử tri huyện Thạch Thất trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội đã thông tin tới cử tri nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và kết quả trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 23/10 tới đây. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Đồng thời, Kỳ họp sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại cuộc tiếp xúc cử tri.

Các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tại cuộc tiếp xúc cử tri.

Cùng đó, Kỳ họp cũng cho ý kiến về 8 dự án Luật: Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Đường bộ; Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản…

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai khẳng định, các quy định trong dự luật đều hướng tới mục tiêu nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, khắc phục những khó khăn, vướng mắc bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô. Từ đó, góp phần xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn…

Tại hội nghị, có nhiều ý kiến kiến nghị các vấn đề dân sinh như dự án đầu tư xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc vẫn còn phần diện tích chưa thu hồi, kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân trong khu vực dự án; việc giám sát thực hiện quy hoạch, công tác xây dựng nhà ở riêng lẻ. Có ý kiến cử tri đề nghị phải tăng mức xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cùng đó, phải giám sát đến cùng các dự án, tái giám sát, xem kiến nghị được thực hiện đến đâu.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân nêu kiến nghị.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân nêu kiến nghị.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Hà Nội Đàm Văn Huân đề nghị bổ sung trong Dự thảo Luật chức năng của Thường trực HĐND TP được giải quyết những vấn đề về cơ chế, chính sách trong tình trạng khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ các tỉnh, TP trong trường hợp khẩn cấp; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm đã được phê duyệt không làm ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư; điều chỉnh các dự án nhóm C đã được HĐND TP phê duyệt .

Nên có sự giới hạn trong phân cấp, phân quyền

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học của ĐHQGHN đã đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên Trường ĐH Luật, ĐHQGHN cho rằng, các quy định về phân cấp, phân quyền trong dự thảo khá mạnh mẽ, tạo điều kiện cho Hà Nội thực hiện các hoạt động linh hoạt hơn. Tuy nhiên, nên có sự giới hạn trong phân cấp, ủy quyền. Chỉ nên phân cấp, ủy quyền ở những cấp quản lý hành chính chung chứ không áp dụng với các cơ quan chuyên môn ở cấp huyện, quận, thị xã bởi tính chất của ủy quyền là chỉ cơ quan chủ quản mới có thể ủy quyền cho cơ quan trực thuộc mình.

Về việc phân quyền cho chính quyền TP trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, GS.TS Phạm Hồng Thái, Trường ĐH Luật, ĐHQGHN nêu quan điểm, vấn đề đặt ra là Hà Nội có cần thành lập thêm các cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc UBND TP hay không? Nếu cần thì việc giao cho HĐND TP Hà Nội quyết định là hợp lý, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Bên cạnh đó, việc giao cho HĐND TP Hà Nội quy định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức đặc thù của quận, huyện, thị xã có thể gây tranh cãi vì liên quan đến sự thống nhất trong quy định của pháp luật và xu hướng phân quyền cho cơ sở.

GS.TS Phạm Hồng Thái nêu quan điểm về việc phân quyền cho chính quyền TP trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế.

GS.TS Phạm Hồng Thái nêu quan điểm về việc phân quyền cho chính quyền TP trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế.

PGS.TS Đặng Minh Tuấn, Trường ĐH Luật, ĐHQGHN đề nghị TP Hà Nội nên cân nhắc áp dụng đầy đủ mô hình chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND ở cả cấp phường và quận), quy định trong Luật Thủ đô với tính chất là một văn bản có giá trị lâu dài, ổn định.

Về cơ chế, chế độ chính sách thu hút nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Hà Nội, cử tri Vũ Thị Lệ Quyên (huyện Thạch Thất) kiến nghị, làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài, cần có sự phân hóa rõ ràng về đối tượng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm và đãi ngộ đối với việc nhân tài về làm việc tại Thủ đô. Đồng thời xây dựng quy trình tuyển dụng cần có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ trong hội đồng tuyển dụng nhằm tăng cường sự giám sát, đảm bảo tính minh bạch trong tuyển dụng.

Cùng có chung quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Đức, Trường ĐH Luật, ĐHQGHN đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, tham khảo Nghị quyết số 97/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh đã trao cho HĐND TP Hồ Chí Minh quyền tự quyết định thù lao trả cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt; mức thu nhập và các chính sách khác để tuyển dụng công chức, viên chức từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, người có trình độ cao phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của Hà Nội.

Tại hội nghị, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho hay, các ý kiến đóng góp sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội TP tổng hợp đầy đủ, gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

NY

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/-can-nhac-ap-dung-day-du-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-i709295/