Cân nhắc được - mất trong lễ hội truyền thống

Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS. LÊ HỒNG LÝ, trong xã hội hiện đại, lễ hội truyền thống có vai trò rất lớn đối với sự phát triển văn hóa, cũng như kinh tế - xã hội; vì vậy cần cân nhắc vấn đề được - mất khi phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội một cách hài hòa, hợp lý.

Thách thức lớn trong phục hồi lễ hội

- Thời gian qua, nhiều lễ hội truyền thống được phục hồi, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng ngày càng cao của người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

GS.TS. LÊ HỒNG LÝ

GS.TS. LÊ HỒNG LÝ

- Việc phục hồi lễ hội truyền thống trước hết xuất phát từ người dân; tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, lễ hội đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển. Cho nên, phục hồi lễ hội không chỉ từ nhu cầu của người dân mà còn từ chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước bởi di sản không chỉ đem lại lợi ích trong đời sống tinh thần người dân, mà đồng thời đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, cho từng vùng, miền, địa phương.

- Trong quá trình phục dựng, tổ chức lễ hội truyền thống, theo ông, vai trò của các chuyên gia như thế nào để bảo đảm không bị sai lệch?

- Lễ hội truyền thống có người nhớ người quên nên rất cần các chuyên gia vào cuộc. Họ có tài liệu ghi chép hệ thống, có khảo sát, tìm hiểu qua nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín các giai đoạn để phục dựng nguyên trạng lễ hội. Việc nghiên cứu trước khi phục dựng đôi khi rất quan trọng, không chỉ riêng ngành nào. Chẳng hạn gần đây, lễ hội chùa Láng đã phục dựng nghi thức Độ hà (rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch, từ chùa Láng ra cầu Cót), hay năm 2020 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phục dựng 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số tại các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum và Bình Phước. Tất cả các hoạt động này đều có đóng góp của đội ngũ chuyên gia tâm huyết và trách nhiệm.

- Như ông vừa nói, lễ hội truyền thống có người nhớ người quên. Thật ra, thách thức trong quá trình phục dựng lễ hội truyền thống hiện nay còn nhiều hơn thế?

- Theo tôi, thách thức là rất lớn. Không gian, môi trường, điều kiện, con người tại các lễ hội và những nơi diễn ra lễ hội đều không còn được như xưa. Ngày xưa, lễ hội được tổ chức trong không gian làng với lượng người tham gia hạn chế. Hiện nay, do giao thông và điều kiện kinh tế phát triển, một lễ hội ở bất cứ đâu người dân cũng tham gia được. Người dân ở TP. Hồ Chí Minh có thể sáng ra dự lễ đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, tối về lại TP. Hồ Chí Minh.

Hơn nữa, khách thập phương sẽ có suy nghĩ và mục đích khác, đôi khi đối lập với phong tục, tập quán của cư dân bản địa. Ví dụ, câu chuyện của trò trám hay phết Hiền Quan trong các lễ hội ở Phú Thọ là những câu chuyện ý nghĩa và muôn năm nay vẫn diễn ra, nhưng khách thập phương lại cho rằng lễ mật trong Linh tinh tình phộc là phản cảm, hay tranh cướp phết là mâu thuẫn, xô xát...

Cần nghiên cứu bài bản, đầy đủ

- Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có khoảng trên 8.000 lễ hội truyền thống; để lễ hội đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt là du lịch văn hóa, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

- Trước hết, phải có sự nghiên cứu bài bản, đầy đủ, vì không phải lễ hội nào cũng có thể phát triển kinh tế. Thứ hai, phải nhận diện mỗi lễ hội vì nó đều có đặc trưng khi khai thác khía cạnh làm kinh tế. Người nghiên cứu phải chỉ ra cái hay, cái đẹp của lễ hội, người làm kinh doanh, du lịch tổ chức khai thác hiệu quả. Nếu không có sự kết hợp sẽ khó thực hiện, bởi có những yếu tố mang giá trị văn hóa rất lớn nhưng nhiều người không hào hứng; ngược lại có những giá trị bình thường nhưng thu hút sự chú ý của nhiều người. Có thể thấy rất rõ điều này tại Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội) những năm vừa rồi, khi có hoạt động mô phỏng nỏ thần của Cao Nỗ và trải nghiệm bắn nỏ thì mọi chuyện đã khác.

Lễ hội rước Chúa gái, thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: Minh Sơn

Lễ hội rước Chúa gái, thị trấn Hùng Sơn, Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: Minh Sơn

Tôi muốn nhấn mạnh, khai thác lễ hội phục vụ phát triển du lịch đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, như khai thác du lịch ban đêm tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính (Ninh Bình)... Phải là những người biết làm kinh tế, biết khai thác, chứ không đơn thuần làm văn hóa và không biết cách biến giá trị văn hóa thành dịch vụ để có lợi nhuận; đây là công việc của nhiều người, nhiều ngành nghề.

- Nhưng nếu khai thác quá đà có thể làm ảnh hưởng đến tính thiêng của lễ hội cũng như giá trị các di sản liên quan như ông phân tích ở trên. Nhiều người đã lên tiếng về tình trạng thương mại hóa và mất an ninh trật tự tại một số lễ hội truyền thống; mong muốn cơ quan quản lý nhà nước phải thể hiện trách nhiệm của mình, đưa hoạt động lễ hội đi vào nền nếp, văn minh. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Thực ra nhà quản lý luôn muốn sự yên ổn, an ninh trật tự, giá trị văn hóa phải được phát huy, nhưng trong bối cảnh hiện nay, như đã nói ở trên, lễ hội có quá nhiều người đến, quá nhiều thành phần, nên sẽ xảy ra nhiều chuyện. Vì thế, quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý đến đâu mới quan trọng, tức là không nên cứng nhắc. Ví dụ, với những nghi lễ, hoạt động bị cấm, phải tìm giải pháp căn cơ, đặc biệt là quan tâm tới nhu cầu của nhân dân, cộng đồng địa phương; bên cạnh đó là lợi ích kinh tế cộng đồng nếu được hưởng, chia sẻ lợi nhuận hợp lý...

- Xin cảm ơn ông!

Hương Sen thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/can-nhac-duoc-mat-trong-le-hoi-truyen-thong-i361803/