Cân nhắc lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng sau khi kinh tế phục hồi
Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá tác động để có thể cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng trong dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026-2030.
Đề nghị bổ sung quy định về chế tài, hành vi bị cấm
Chiều 23/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi. Đánh giá chung, các thành viên của UBTVQH thống nhất với sự cần thiết sửa đổi luật để khắc phục những vướng mắc, bất cập, tháo gỡ chồng chéo, tạo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật và đặc biệt là thực hiện chiến lược cải cách về thuế.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, một số nước, trong đó có các nước trong khu vực ASEAN, đã và đang tăng thuế suất GTGT như một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu ngân sách từ sau đại dịch. Indonesia đã tăng thuế suất từ 10% lên 11% vào tháng 4/2022. Singapore đã tăng thuế suất theo lộ trình 2 năm, từ 7% lên 8% vào 1/2023 và 9% vào 1/2024.
Góp ý cho dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn mức thuế suất của Việt Nam hiện đang ở mức 5 – 10%, còn các nước xung quanh thuế suất đã cao hơn mức này. Trong khi đó, chúng ta chưa có lộ trình để tiếp cận dần thông lệ của quốc tế.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị đánh giá kỹ tác động của các đối tượng chịu ảnh hưởng, như đối tượng được hưởng thuế GTGT 5%; đồng thời, làm rõ hơn về quy trình, thủ tục, điều kiện hoàn thuế để tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chính phủ, Bộ Tài chính đã khởi động quá trình sửa các luật thuế, đáp ứng yêu cầu của chiến lược cải cách hệ thống thuế.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, về cơ bản, dự thảo luật đã tập trung khắc phục được những mâu thuẫn, thiếu thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Hải quan năm 2014, Luật Thủy sản năm 2017…
Đồng thời, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung một số quy định đối với hành vi vi phạm, hành vi bị cấm và chế tài răn đe ngoài những điều cấm đã quy định trong Luật Quản lý thuế, bởi với tính chất đặc thù của thuế GTGT có thể phát sinh nhiều hành vi vi phạm, như: gian lận hóa đơn chứng từ, vi phạm về thời gian nộp thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế, lừa đảo chiếm đoạt thuế…
Để hoàn thiện dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu, giải trình làm rõ hơn một số vấn đề như thuế suất thuế GTGT với phân bón; thuế GTGT với thu mua nông sản, thủy hải sản...
Thuế suất hiện nay là phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tiếp thu, giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đây là dự án luật liên quan đến lợi ích của hàng triệu doanh nghiệp, hộ kinh doanh, do đó trong quá trình soạn thảo đã có rất nhiều ý kiến, từ phía cả doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành.
Về ý kiến thuế suất của các nước hiện ở mức cao, còn Việt Nam vẫn chỉ là 5 - 10%, người đứng đầu ngành Tài chính cho rằng hiện tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, những năm gần đây thuế suất thuế GTGT đã giảm chỉ còn 8%. Mức thuế hiện nay cũng là phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đối với đề nghị quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm, làm rõ trình tự thủ tục trong dự thảo luật, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thực ra dự thảo luật đã có các quy định này, song tới đây sẽ được báo cáo Chính phủ để quy định làm rõ hơn nữa. Trước thực tế các hành vi gian lận, vi phạm liên quan đến thuế GTGT vẫn còn nhiều, các quy định phải đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Ngoài ra, đối với các vấn đề cụ thể như thuế suất thuế GTGT với phân bón, các trường hợp không phải nộp thuế GTGT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, các doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế thuế suất 0%... Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ có báo cáo giải trình cụ thể để UBTVQH, Quốc hội xem xét.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế. Đặc biệt lưu ý quan điểm sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý, định hướng tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất và thực hiện tăng thuế theo lộ trình.
“Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật; Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn chỉnh Báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV” - Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Việt Nam có dư địa tăng thuế GTGT trong tương lai
Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, mức thuế suất phổ thông 10% tại Việt Nam hiện nay là thấp hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, thuế suất trung bình trong khu vực châu Á là 12%, khu vực Mỹ La tinh là 14%, châu Phi 16%, khối OECD 19%, EU 22%, thuế suất trung bình toàn cầu hiện nay là 15%.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh, so sánh này cho thấy Việt Nam có dư địa để tăng thuế suất thuế GTGT trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh cần mở rộng cơ sở thu. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 cũng đã xác định định hướng “nghiên cứu tăng thuế suất thuế GTGT theo lộ trình”. Đây là định hướng phù hợp với xu thế chung của các nước trong khu vực và thế giới và nhu cầu ngân sách nhà nước hiện nay.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá tác động đối với một số phương án tăng thuế suất theo lộ trình để có thể cân nhắc khả năng quy định lộ trình tăng thuế suất trong dự án luật một cách phù hợp, sau khi nền kinh tế đã được phục hồi, có thể vào cuối giai đoạn 5 năm 2026-2030.