'Cân nhắc quy định xe cá nhân phải lắp thiết bị giám sát hành trình'
Nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc quy định phương tiện cơ giới đường bộ và xe chuyên dùng phải gắn giám sát hành trình.
"Chưa thấy các nước phát triển quy định xe cá nhân phải lắp thiết bị giám sát hành trình"
Sáng nay (20/10), tại nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra dự án Luật TTATGT đường bộ.
Tại Điều 33 của dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; Thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe; Dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Phát biểu tại cuộc họp, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung cho rằng, xe cơ giới theo cách hiểu thì có cả xe cá nhân.
"Không biết yêu cầu như vậy có quá cao hay không? Nhiều nước phát triển tôi đi qua, hiện xe cá nhân không bị yêu cầu phải có giám sát hành trình", ông Trung nói.
Cùng quan điểm ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, cần cân nhắc việc quy định phương tiện cơ giới đường bộ và xe chuyên dùng phải gắn giám sát hành trình.
"Nên chỉ quy định đối với xe kinh doanh vận tải, còn xe cá nhân thì không", ông Hùng nói.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ quy định người lái xe kinh doanh vận tải không lái xe quá 8 giờ trong một ngày. Ngoài ra, khung giờ từ 6h - 22h, thời gian lái xe liên tục không quá 4 tiếng; Dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 5 phút đối với tài xế taxi, xe buýt và 15 phút đối với tài xế xe vận tải.
Từ 22h hôm trước đến 6h hôm sau, tài xế không được lái xe liên tục quá 3 tiếng; Dừng nghỉ giữa hai lần lái xe tối thiểu 30 phút đối với tài xế xe vận tải.
Góp ý về nội dung này, ông Lê Hoài Trung cho rằng, quy định này là hợp lý, ở các nước phát triển họ khuyến nghị "lái xe 2 tiếng liên tục nên dừng để nghỉ", cho nên quy định ba và bốn tiếng như ở dự thảo là có cơ sở.
Cần nâng độ tuổi trẻ em phải dùng ghế chuyên dụng khi ngồi ô tô
Theo dự thảo, trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Về nội dung này, bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng cần nâng độ tuổi trẻ em phải dùng ghế chuyên dụng này.
"Chúng tôi đề nghị tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế để quy định trẻ em khi ngồi trên ô tô phải có ghế chuyên dụng", bà Cầm nói và cho biết, Ủy ban Xã hội đã nhận được văn bản kiến nghị của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam với nội dung nâng từ trẻ dưới 4 tuổi lên dưới 6 tuổi phải sử dụng ghế chuyên dụng.
Đối với đề xuất trẻ dưới 10 tuổi hoặc có chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông, bà Cầm cho biết, nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam chỉ ra rất rõ, dây đai an toàn giao thông chỉ phát huy hiệu quả khi người ngồi có chiều cao từ 1,5m.
"Vì thế chúng ta cần nâng mức tuổi lên. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đang kiến nghị nâng từ 10 tuổi lên 12 tuổi. Tôi thấy điều này phù hợp với thể trạng của con người Việt Nam", bà Cầm nói.
Cùng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhận được văn bản của Tổ chức Y tế thế giới đề nghị, nên quy định trẻ em từ 12 tuổi hoặc 1,5m trở xuống phải có thiết bị an toàn giao thông khi ngồi trên ô tô.
"Nhỏ thì có ghế, lớn hơn thì có đệm để bảo đảm nâng chiều cao của trẻ em, để khi thắt dây an toàn thì không bị thắt vào cổ", ông Hùng nói.
Luật Giao thông đường bộ và Luật TTATGT có sự giao thoa nhau
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cho biết, với trách nhiệm là cơ quan xây dựng dự thảo Luật Đường bộ, Luật TTATGT đường bộ, Bộ GTVT và Bộ Công an có trách nhiệm hoàn thiện hai dự thảo luật này theo đúng chỉ đạo.
"Qua các ý kiến của các đại biểu, với trách nhiệm của Bộ GTVT chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Công an để rà lại các ý kiến. Tôi đồng tình với quan điểm, cái gì tiếp thu đưa vào được thì phải nói rõ, còn cái gì không tiếp thu thì chúng tôi sẽ giải trình. Tránh trường hợp các đại biểu ý kiến tại các hội thảo, phiên họp không biết có được tiếp thu hay không. Tôi đề nghị cần có hồ sơ tiếp thu giải trình chi tiết và cụ thể để gửi kèm theo Tờ trình", ông Thọ nói.
Ông Thọ cho rằng, một số ý kiến băn khoăn, xây dựng hai luật (Đường bộ, TTATGT đường bộ) để làm gì? Câu trả lời là muốn tạo hành lang pháp lý thì nên chi tiết, đây là quy luật tất yếu.
"Nếu còn điều kiện, thời gian, ngoài Luật Đường bộ, Luật TTATGT đường bộ thì cần phải thêm mấy luật nữa để cụ thể. Ví dụ như luật vận tải, luật đường cao tốc. Càng chi tiết bao nhiêu thì thực thi càng dễ bấy nhiêu", ông Thọ nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết, khi góp ý vào dự thảo luật, phạm vi và đối tượng đang có ý kiến đặt ra là "cái nào để ở Luật Đường bộ, cái nào đặt ở Luật TTATGT đường bộ".
"Không thể tách ra được, có những nội dung có thể tách ra nhưng có nội dung vẫn phải giao thoa với nhau", ông Thọ nói.
Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an và Bộ GTVT rà soát lại "khái niệm trung tâm giao thông hỗn hợp".
"Hai luật có nhiều trung tâm lắm, mai mốt lại có trung tâm ứng dụng công nghệ trong giao thông thì lại phức tạp ra, cần nghiên cứu cho hợp lý. Đây là trung tâm kỹ thuật để chỉ huy điều hành, điều độ hoạt động giao thông đường bộ do các cơ quan chức năng phối hợp, làm sao không để phát sinh biên chế", ông Phương nói và cho biết, kinh nghiệm thế giới là các trung tâm hỗn hợp không phải "ở chung một nhà" mà được kết nối với nhau.
Giải trình một số nội dung, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, về nội dung chỉ huy giao thông đường bộ trong luật xác định Trung tâm chỉ huy giao thông của Bộ công an và địa phương.
"Sau này, tất cả vấn đề liên quan như quản lý phương tiện theo dõi hành trình thì chúng tôi tích hợp và đưa vào trung tâm chỉ huy, khi phát hiện hành vi vi phạm phải xử lý ngay. Hiện nay, theo dõi hành trình để làm cho có thôi chứ chưa có tác dụng xử lý thực tế. Chúng tôi đặt vào đây là trung tâm chỉ huy chứ không phải là trung tâm điều phối, điều hành gì", ông Hùng nói.
Bộ công an - Cơ quan soạn thảo cho biết, Luật TTATGT đường bộ quy định về TTATGT đường bộ, bao gồm quy tắc giao thông đường bộ; Phương tiện giao thông đường bộ; Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; Tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ.
Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; Quản lý Nhà nước về TTATGT đường bộ. Còn Luật Đường bộ quy định về hoạt động đường bộ, bao gồm các quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; Vận tải đường bộ và quản lý Nhà nước về hoạt động đường bộ.
Trên cơ sở phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh nêu trên đã chuyển chương "Phương tiện giao thông đường bộ" của dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật TTATGT đường bộ; Chuyển các nội dung về vận tải có tính chất "động" và liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo đảm TTATGT đường bộ trong chương "Vận tải đường bộ" của dự thảo Luật Đường bộ sang quy định tại chương "Phương tiện giao thông đường bộ" và chương "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" của dự thảo Luật TTATGT đường bộ.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ hiện tại gồm 9 chương, 81 điều so với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng 1 chương và 19 điều do chương "Phương tiện, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" tách thành 2 chương" "Phương tiện giao thông đường bộ" và "Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ".