Cân nhắc thời điểm thông qua Luật Bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang còn một số nội dung có ý kiến khác nhau. Liệu có nên thông qua tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra từ tháng 5-6/2024)?

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 5 (chiều ngày 27/3) thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nguồn: quochoi.vn

Quang cảnh phiên bế mạc Hội nghị ĐBQH chuyên trách lần thứ 5 (chiều ngày 27/3) thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nguồn: quochoi.vn

Bà Ma Thị Thúy (ĐBQH đoàn Tuyên Quang) đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua Luật sau khi cải cách tiền lương. Bởi theo bà Thúy cải cách tiền lương là một chính sách lớn, khó và phức tạp, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực, nhóm lao động khác nhau trên toàn xã hội, cần có thời gian triển khai cải cách tiền lương để điều chỉnh, xử lý các vấn để phát sinh (nếu có) cho phù hợp với thực tiễn, tránh tình trạng Luật vừa thông qua lại phải rà soát, sửa đổi. Từ đó, bà Thúy đề nghị Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp thứ 7, mà xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-11/2024).

Ngay cơ quan thẩm tra dự án Luật trên là Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho biết, từ ngày 1/7/2024 khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật. Trong khi Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật này chưa dự liệu hết được tác động.

Theo đó, do bãi bỏ “mức lương cơ sở” nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để tính lương hưu, không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ BHXH và một số chế độ quy định ở các luật khác. Bên cạnh đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, dẫn đến tiền đóng BHXH cũng tăng lên đáng kể. Điều này sẽ làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng cho những đối tượng này.

Ủy ban Xã hội cũng chỉ ra rằng, việc cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1/7/2024, nếu không thực hiện điều chỉnh cho đối tượng nghỉ hưu trước thời điểm này khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Theo đó, nếu nghỉ hưu sau thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương (1/7/2024) từ 4 đến 6 năm, lương hưu của người nghỉ hưu sau khi thực hiện chính sách tiền lương đã tăng 40-50% so với những người nghỉ hưu trước khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Liên quan đến vấn đề trên, trả lời cho câu hỏi có nên lùi thời điểm thông qua Luật BHXH sửa đổi sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương hay không? Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, để thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7 thì theo lộ trình đến ngày 31/3 phải xong tất cả vị trí việc làm. Cho nên nếu vấn đề cải cách tiền lương chuẩn bị đầy đủ rồi thì có thể báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Còn nếu chưa rõ thì có thể dừng lại. Đây là vấn đề bình thường, nếu đủ điều kiện thì thông qua, còn không thì để lại kỳ sau. “Hiện dự thảo Luật chỉ có một vài điểm chưa thống nhất phải thảo luận tiếp” - ông Lợi cho hay.

Theo ĐB Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình), hiện chính sách tiền lương cũng chưa cụ thể. Đến bây giờ chúng ta cũng chưa biết cụ thể lương sẽ như thế nào? Cho nên tính toán làm căn cứ đóng BHXH cũng rất khó khi tới đây bãi bỏ mức lương cơ sở nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để tính lương hưu.

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế), dự thảo Luật đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất trong thời gian qua của người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế, cần có điểm tựa để đảm bảo cuộc sống về lâu dài của bản thân, gia đình và người thân. Theo bà Sửu, rút BHXH một lần là vấn đề lớn, phức tạp, cần tiếp tục lấy ý kiến đối với 2 phương án đã được đưa ra. Đặc biệt, cần lấy ý kiến của người lao động là đối tượng chịu sự tác động của Luật. “Dù là phương án nào cũng đều dựa trên quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài cho người lao động” - bà Sửu lưu ý.

Ông Nguyễn Anh Trí - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội bày tỏ quan điểm không đồng tình với cả 2 phương án đưa ra. “Nếu là người đóng bảo hiểm thì tôi cũng chưa ưng. Đây là vấn đề trăn trở nhưng cả 2 phương án đưa ra đều chưa thỏa đáng. Chính phủ, cụ thể là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần suy nghĩ để xây dựng thêm” - ông Trí nói và đề nghị tìm phương án tốt hơn nữa.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hoa Ry - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho rằng, hiện dự thảo Luật đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cũng chưa chọn phương án BHXH một lần nào chính thức để đảm bảo trình tại kỳ họp thứ 7. Vì vậy nên cân nhắc thời điểm thông qua Luật. Nếu chất lượng và nội dung chưa đảm bảo thì chúng ta nên để qua kỳ họp sau để có thời gian đánh giá tác động, xem xét, chặt chẽ hơn.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-nhac-thoi-diem-thong-qua-luat-bao-hiem-xa-hoi-10276540.html