Cân nhắc tiêu chí xác định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tránh phát sinh cơ chế 'xin - cho'
Nhấn mạnh xây dựng Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư nhằm kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút, khuyến khích tất cả các loại hình doanh nghiệp, thành phần kinh tế đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, việc quản lý, hỗ trợ Quỹ phải bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của Quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ; nghiên cứu quy trình đánh giá để hỗ trợ chi phí một cách minh bạch, khách quan.
Kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các loại hình doanh nghiệp
Việc nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định quy định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư của Chính phủ để thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là cần thiết. Qua đó, thể chế hóa chủ trương của Đảng, thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội nhằm ổn định và cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Nghị định được xây dựng nhằm kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút, khuyến khích tất cả các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở nguyên tắc, yêu cầu tại Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, Chính phủ xây dựng Nghị định với các nội dung chính sách phù hợp đúng theo thẩm quyền.
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng được áp dụng hỗ trợ đầu tư chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia (thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu) trong lĩnh vực công nghệ cao, không bao gồm tất cả các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu; đồng thời cũng có những doanh nghiệp không nộp thuế tối thiểu toàn cầu (chẳng hạn do bị lỗ hoặc không thuộc đối tượng nộp thuế tối thiểu toàn cầu) vẫn được nhận các khoản hỗ trợ từ Quỹ; các doanh nghiệp trong nước sẽ khó đáp ứng các điều kiện, tiêu chí để có thể được hưởng hỗ trợ từ Quỹ.
Băn khoăn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, nếu theo tinh thần của dự thảo Nghị định thì chủ yếu sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, đây cũng là lĩnh vực chúng ta đang muốn thu hút. Thế nhưng, nhìn lại đối tượng hiện đang nộp thuế tối thiểu toàn cầu theo quy định tại Nghị quyết số 107/2023/QH15 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, thì rất nhiều doanh nghiệp quy mô lớn cũng có đầu tư tại Việt Nam nhưng không nhất thiết hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao sẽ không thuộc phạm vi được hỗ trợ.
“Vậy phải giải quyết mối quan hệ này như thế nào để hài hòa một cách tương đối, tránh tình trạng khi áp dụng Nghị định, thì chi phí hỗ trợ lại rơi vào một nhóm doanh nghiệp nào đó, của một số quốc gia nào đó có đầu tư ở Việt Nam. Vô hình trung dẫn đến sự so sánh giữa các doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến tính cạnh tranh và sự thu hút của môi trường đầu tư tại Việt Nam đối với những nhà đầu tư nước ngoài. Cơ quan trình cần làm rõ nên chăng cần có thêm những tiêu chí khác để kết hợp với tiêu chí là doanh nghiệp công nghệ cao?” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.
Lưu ý khi Chính phủ ban hành Nghị định, thì cần làm rõ thêm và cân nhắc hết sức thận trọng vì đây vẫn là một vấn đề mới, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong quá trình soạn thảo các cơ quan đã tính toán nếu ban hành Nghị định vào thời điểm hiện nay thì được bao nhiêu doanh nghiệp nhận hỗ trợ và đó là những doanh nghiệp nào? Bởi mục tiêu của Quỹ này là hỗ trợ cho tất cả mọi thành phần kinh tế, cả doanh nghiệp nước ngoài, cả doanh nghiệp trong nước nếu đạt tiêu chí thì được hỗ trợ.
Phải minh bạch về mức và đối tượng hỗ trợ
Để tháo gỡ tối đa về thủ tục hành chính và nút thắt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cần rà soát nội dung chính sách trong dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần đối chiếu với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, tránh xung đột pháp lý, nhất là các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
Cùng với đó, cần xác định mục tiêu sử dụng Quỹ là bảo đảm hài hòa, công bằng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Tránh trường hợp sau khi ban hành Nghị định, thì "doanh nghiệp nước này có lợi nhưng ngược lại doanh nghiệp nước khác không đồng tình". Chính sách ban hành ra nếu có lợi cho một phía thì chưa có tính bao quát, chưa hấp dẫn các nhà đầu tư. Cho rằng, đây là vấn đề cần hết sức lưu tâm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần rà soát các điều kiện, tiêu chí được hưởng thụ chính sách để bảo đảm tính bao quát và khả năng tiếp cận chính sách giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tránh trường hợp chỉ nhà đầu tư đa quốc gia đủ điều kiện hưởng chính sách.
Đồng thời, phải bảo đảm minh bạch về mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ. Dự thảo Nghị định đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ với các tỷ lệ khác nhau, một số khoản hỗ trợ quy định theo mức tối đa. Do đó, cân nhắc quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định mức hỗ trợ doanh nghiệp, tránh phát sinh cơ chế “xin - cho” dẫn đến khiếu nại, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với việc quản lý, sử dụng Quỹ. Theo dự thảo Nghị định, nguồn tài chính Quỹ có hai nguồn là ngân sách Trung ương và nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, Quỹ vẫn thực hiện chi hỗ trợ cho các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, tiêu chí nhưng bị lỗ cũng như các doanh nghiệp mới đầu tư không có số nộp vào ngân sách. Đây cũng là một rủi ro mà Chính phủ cần tính toán, có phương án quản lý, phòng ngừa. Đặc biệt, việc quản lý, hỗ trợ Quỹ phải bảo đảm chặt chẽ, tránh tình trạng mất cân đối giữa khả năng đáp ứng của Quỹ với tổng số tiền cần hỗ trợ; nghiên cứu quy trình đánh giá để hỗ trợ chi phí một cách minh bạch, khách quan.
Giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, về nguyên tắc xây dựng và thiết kế chính sách, quan điểm xuyên suốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là Nghị định này sẽ chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí cụ thể và áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, "không nhắm đến bất kỳ một đối tượng doanh nghiệp hay nhà đầu tư nào" và áp dụng chung đối với doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, cả dự án hiện hữu, dự án mở rộng và dự án đầu tư mới.
“Tính không phân biệt đối xử ở đây không tính đến đối tượng là doanh nghiệp có thuộc đối tượng nộp thuế bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu hay không, vì nếu với cách tiếp cận như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói. Cũng theo Thứ trưởng, các nguyên tắc, tiêu chí đưa ra ở dự thảo Nghị định đã bảo đảm tính sàng lọc rất cao, các doanh nghiệp tiêu chí đều là những doanh nghiệp lớn, hoạt động kinh doanh có hiệu quả để giảm thiểu các rủi ro về hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.
Mặt khác, dự thảo Nghị định đã có một chương riêng về cơ chế kiểm tra, giám sát, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của các cơ quan trung ương, địa phương. Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung làm rõ thêm để trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi bảo đảm minh bạch; có cơ chế hậu kiểm, bảo đảm kiểm tra, giám sát chặt chẽ, rõ ràng.